Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Thực tiễn giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài...


Thực tiễn giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam và một số điểm cần lưu ý Giải quyết
tranh chấp trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp ngày càng được các thương nhân ưa chuộng, bởi các ưu điểm mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại. Trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng hoặc sau khi có tranh chấp các bên có thể thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Tùy theo ý chí, sự lựa chọn của các bên mà tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài Việt Nam hoặc được giải quyết bằng trọng tài nước ngoài. Tại Việt Nam, năm 2003 Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại và ngày 17/6/2010 Quốc hội khóa 12 đã thông qua Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM) để thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại nhằm đưa ra các quy định hợp lý, đầy đủ và chặt chẽ hơn cho hoạt động trọng tài, tạo thêm sự lựa chọn cho các thương nhân Việt Nam trong giải quyết tranh chấp. Khi các bên lựa chọn trọng tài Việt Nam là phương thức giải quyết tranh chấp thì khi có phán quyết, một trong các bên không đồng ý với phán quyết trọng tài sẽ có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài. Trong trường hợp các bên lựa chọn trọng tài nước ngoài, đó là trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài, do các bên thỏa thuận, lựa chọn để giải quyết tranh chấp ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam. Phán quyết do trọng tài nước ngoài ban hành được coi là phán quyết của trọng tài nước ngoài. Các phán quyết của trọng tài nước ngoài sẽ không bị Tòa án Việt Nam hủy theo Luật TTTM như phán quyết của trọng tài trong nước. Nhưng phán quyết của trọng tài nước ngoài muốn có giá trị pháp lý tại Việt Nam, muốn được thi hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phải thực hiện theo thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Tại Chương 26 từ Điều 342 đến Điều 349, phần thứ 6 BLTTDS đã có các quy định chung về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Để cụ thể hóa về thủ tục xét đơn yêu cầu, tại Chương 29 từ Điều 364 đến Điều 374 BLTTDS đã quy định về thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Đây là một trong những quy định mới trong tố tụng dân sự của Việt Nam. Những quy định của chương này chỉ có thể xuất hiện sau những năm đổi mới, để đáp ứng nhu cầu hội nhập. Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các thương nhân Việt Nam “bơi ra biển lớn” ngày một nhiều hơn thì đồng thời cũng xuất hiện các tranh chấp kinh tế, thương mại nhiều hơn. Trong số đó có một số vụ việc đã được trọng tài nước ngoài giải quyết, từ đó xuất hiện nhu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài ngày một nhiều hơn; số đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài gia tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, năm 2010 chỉ có 04 đơn yêu cầu, thì năm 2011 là 08 đơn yêu cầu, năm 2012 là 36 đơn yêu cầu và từ tháng 1 đến tháng 10/2013 có 11 đơn yêu cầu. Nhưng theo số liệu thống kê của TAND tối cao thì năm 2010 Tòa án đã thụ lý giải quyết 3/3 đơn yêu cầu, năm 2011 thụ lý 02 đơn yêu cầu nhưng chưa giải quyết, năm 2012 tổng số đơn yêu cầu là 16 đơn (có 2 đơn năm 2011 chuyển sang) đã giải quyết được 15 đơn yêu cầu, năm 2013 thụ lý 26 đơn yêu cầu (trong đó có 1 đơn năm 2012 chuyển sang) đã giải quyết 17 đơn, còn lại 7 đơn chưa giải quyết. Năm 2014 thụ lý 14 đơn yêu cầu. Các đơn yêu cầu chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… và một vài tỉnh như tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đến năm 2013 và năm 2014 thì loại việc này xuất hiện ở một số tỉnh khác như Thái Bình, Phú Thọ, Long An, Hà Nam… Trong số các vụ mà Tòa án các tỉnh, thành phố thụ lý năm 2013 và năm 2014 có trên 10 vụ là phán quyết của trọng tài thuộc Hiệp hội Bông quốc tế (ICA). Tháng 3/2014, Tòa Kinh tế TAND tối cao nhận được báo cáo của 07 TAND tỉnh, thành phố về việc thụ lý 12 đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài, Tòa án đã giải quyết 11 vụ việc, trong đó có 01 vụ Tòa án đã đình chỉ giải quyết do người yêu cầu đã xin rút đơn yêu cầu, 01 vụ Tòa án đã chấp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, còn lại 09 vụ Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định không chấp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài. Với số lượng báo cáo được gửi về Tòa kinh tế TAND tối cao của 07 Tòa án đã thụ lý vào năm 2013 và đầu năm 2014 là 12 vụ, đã giải quyết 11 vụ, trong đó chỉ có 01 vụ được chấp nhận đơn yêu cầu, cho thấy tỷ lệ số vụ không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài là rất cao. 1. Thực tế của việc giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài trong thời gian gần đây Từ thực tiễn giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài trong những năm qua có thể rút ra một vài vấn đề cơ bản như sau: - Một là: Tòa án thụ lý, giải quyết rất chậm đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài Theo quy định tại Điều 368 BLTTDS thì trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày thụ lý, tùy tình hình cụ thể của vụ việc đó mà Tòa án phải ra một trong các quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết; nếu không có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Chỉ trong trường hợp hồ sơ mà Tòa án nhận được có những điểm chưa rõ, cần yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đã gửi đơn giải thích về những điểm chưa rõ đó thì thời hạn xét đơn yêu cầu mới được kéo dài thêm 02 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều vụ việc mà Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu không giải quyết đúng theo thời hạn mà luật đã quy định. Nguyên nhân của việc giải quyết chậm là do các Thẩm phán, nhiều Tòa án ít gặp, ít khi thụ lý giải quyết loại việc này nên chưa có kinh nghiệm, hiểu biết chưa sâu dẫn đến lúng túng trong quá trình giải quyết. Trong khi đó, có những quy định của pháp luật có phần khó hiểu, không rõ ràng, nhưng Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chưa có Nghị quyết hướng dẫn. - Hai là: có một số Hội đồng xét đơn đã có những nhận thức hết sức sai lầm về áp dụng pháp luật. Lẽ ra, khi xem xét việc Hội đồng trọng tài có vi phạm về việc gửi thông báo, giấy tờ, tài liệu, giấy triệu tập, thông báo về chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết là phải trên cơ sở các quy định của Trung tâm trọng tài, nơi Hội đồng trọng tài được thành lập, mang quốc tịch và các Điều ước, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên… Đồng thời, dưới góc độ thực tiễn, khi đánh giá các hoạt động cụ thể còn phải xem xét đến các “thói quen thương mại” mà các bên đã thực hiện. Chẳng hạn, khi Trọng tài gửi thông báo, tài liệu qua email cá nhân, Hội đồng xét đơn đã không xem xét trong quá trình giao dịch, khi ký kết hoặc thực hiện hợp đồng các bên có liên lạc, giao dịch với nhau qua địa chỉ email đó không, mà lại cho rằng liên lạc với pháp nhân qua email cá nhân cán bộ doanh nghiệp là không hợp thức, doanh nghiệp không nhận được… hoặc không hiểu đúng khi nào áp dụng công ước, điều ước quốc tế.v.v… Do đó, Hội đồng xét đơn đã căn cứ vào quy định trong BLTTDS về tống đạt, thông báo để xem xét, đánh giá và cho rằng Hội đồng trọng tài đã vi phạm việc thông báo về chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết tranh chấp… Ví dụ: Tại quyết định số 01/2013/QĐST-KDTM ngày 27/5/2013 quyết định xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài của TAND tỉnh L có đoạn nhận định: “… Tại điểm c khoản 1 Điều 370 BLTTDS chỉ quy định: cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại trọng tài nước ngoài…, nhưng không quy định về phương thức thông báo và nghĩa vụ chứng minh việc thông báo kịp thời là của người phải thi hành giống như quy định tại Điều 316 của Bộ Quy tắc và quy định của HHBQT và Điều 5 của Công ước 1958; cũng như những quy định của BLTTDS về phần này không quy định dẫn chiếu là sẽ ưu tiên áp dụng các Hiệp định, Điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nếu các Hiệp định, Điều ước Quốc tế đó có quy định khác. Do vậy, việc thông báo không kịp thời và hợp thức phải được hiểu theo những quy định về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng quy định tại Điều 146 đến Điều 156 BLTTDS của Việt Nam và chứng minh việc này là nghĩa vụ của người yêu cầu”. Đoạn nhận định nói trên cho thấy sự thiếu nghiên cứu, thiếu hiểu biết pháp luật của Hội đồng xét đơn, không nắm được các nguyên tắc cơ bản khi áp dụng pháp luật trong trường hợp này. Điều đáng tiếc là vấn đề mà Hội đồng xét đơn đặt ra đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng tại khoản 3 Điều 2 BLTTDS như sau: “Bộ luật tố tụng dân sự được áp dụng đối với việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. - Ba là: Tòa án cho rằng các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó, tức là người ký kết thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết và áp dụng điểm a khoản 1 Điều 370 BLTTDS để không công nhận phán quyết trọng tài. Đối với trường hợp Hội đồng xét đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý, được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Dưới đây là một số trường hợp: - Hội đồng xét đơn đã không hiểu được là thỏa thuận trọng tài có tính độc lập tương đối so với hợp đồng thương mại, hợp đồng chính. Khi thấy hợp đồng thương mại bị vô hiệu đã cho rằng thỏa thuận trọng tài cũng vô hiệu theo. Đây là nhận thức hết sức sai lầm. Dù thỏa thuận trọng tài có nằm trong hợp đồng thương mại hay nằm trong một văn bản riêng thì thỏa thuận trọng tài vẫn có tính độc lập tương đối của nó. Do đó, dù hợp đồng chính, giao dịch thương mại bị vô hiệu, nhưng thỏa thuận trọng tài vẫn có giá trị pháp lý. - Cũng có trường hợp người đại diện hợp pháp của pháp nhân ký kết hợp đồng, sau đó bên đương sự này và Tòa án cho rằng người ký kết hợp đồng đã vượt quá “thẩm quyền”, ví dụ theo quy định nội bộ của doanh nghiệp, người đại diện của doanh nghiệp chỉ được ký kết giá trị hợp đồng là 1 triệu USD, nhưng người đại diện của doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng trị giá 1,2 hoặc có trường hợp 1,5 triệu USD. Do đó, việc trọng tài thụ lý giải quyết khi thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu là vi phạm thẩm quyền. Dưới đây là một đoạn nhận định của Hội đồng xét đơn tại quyết định số 08/2013/KDTM ngày 20/5/2013 của TAND thành phố H: “Như vậy, việc ông Đỗ Văn M với tư cách là Tổng giám đốc Công ty tham gia ký kết các hợp đồng có giá trị tới 204.697.584.000 đồng là vô hiệu, vì Quyết định số 933/QĐ-D1915 ngày 31/12/2009 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty về việc phân cấp ủy quyền thì ông Minh không được ký kết các hợp đồng vượt quá 50% vốn Điều lệ, tương đương với 20.000.000.000 đồng. Tại khoản 2 Điều 18 Luật TTTM số 54/2010/QH12 quy định: Thoả thuận trọng tài vô hiệu…. 2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Do đó, thỏa thuận trọng tài trong các hợp đồng nói trên do ông Đỗ Văn M ký đã vô hiệu. Ông Đỗ Văn M là người không có năng lực để ký kết thỏa thuận trọng tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.” Có thể kết luận nhận định của Hội đồng xét đơn là không đúng, ông Đỗ Văn M là Tổng giám đốc, người đại diện hợp pháp của pháp nhân, có đủ thẩm quyền và năng lực ký kết thỏa thuận trọng tài. Quy định nội bộ của doanh nghiệp mà Hội đồng xét đơn trích dẫn ở trên không ảnh hưởng gì đến giá trị pháp lý của thỏa thuận trọng tài. Do đó, việc Hội đồng xét đơn cho rằng “ông Đỗ Văn M là người không có năng lực để ký kết thỏa thuận trọng tài” coi đó là một căn cứ để hủy phán quyết trọng tài là sai lầm nghiêm trọng về áp dụng pháp luật. - Trường hợp Chi nhánh pháp nhân ký kết hợp đồng và thỏa thuận trọng tài, mặc dù pháp nhân biết việc ký kết hợp đồng, thỏa thuận trọng tài nhưng không phản đối và cũng có trường hợp hợp đồng đã được thực hiện một phần, nhưng một bên đương sự (đơn vị có tư cách pháp nhân) đã yêu cầu Tòa án không công nhận phán quyết trọng tài với lý do người ký kết thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền, không được ủy quyền, nên thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu, Tòa án đã chấp nhận đề nghị này của đương sự cũng không đúng. - Cũng có trường hợp người ký kết hợp đồng và thỏa thuận trọng tài của Công ty nước ngoài không ghi rõ tên và chức danh trong hợp đồng. Trong đăng ký kinh doanh cũng như tài liệu gửi kèm đơn đề nghị Tòa án công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài không có tài liệu nào thể hiện người đại diện cho Công ty nước ngoài có thẩm quyền ký kết hợp đồng hay thỏa thuận trọng tài. Tại phiên họp bên Công ty nước ngoài mới trình bày và nộp bổ sung xác nhận của Chủ tịch và Giám đốc Công ty xác nhận người đã ký kết hợp đồng và thỏa thuận trọng tài là người có thẩm quyền ký kết. Hội đồng xét đơn đã xác định người ký kết hợp đồng và thỏa thuận trọng tài đại diện cho Công ty nước ngoài là không có năng lực ký kết thỏa thuận trọng tài. Việc Công ty xác nhận tư cách của người ký kết hợp đồng và thỏa thuận trọng tài chỉ mới được nộp tại phiên họp và việc xác nhận về thẩm quyền người ký thỏa thuận trọng tài được lập sau thời điểm ký kết thỏa thuận trọng tài nên không có giá trị thay thế giấy ủy quyền. Hội đồng xét đơn không công nhận phán quyết trọng tài. Hoặc có trường hợp theo đăng ký kinh doanh thì người đại diện cho bên nước ngoài đều phải ký tập thể có hai chữ ký hoặc ủy quyền tập thể với hai chữ ký, nhưng hợp đồng và thỏa thuận trọng tài chỉ có một chữ ký, Hội đồng xét đơn cho là không hợp lệ, thỏa thuận trọng tài không có giá trị. Đối với các trường hợp nói trên, Tòa án không thể căn cứ vào pháp luật Việt Nam mà phải căn cứ vào pháp luật của chính nước mà Công ty mang quốc tịch để xác định. - Bốn là: Tòa án đã áp dụng điểm b khoản 2 Điều 370 BLTTDS, việc không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài khi xét thấy quyết định đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trên thực tế khi Tòa án áp dụng căn cứ này để không công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài, có những quyết định Hội đồng xét đơn đã trích dẫn khoản 4 Điều 369 BLTTDS, nhưng trong nhiều trường hợp Hội đồng xét đơn vẫn xem xét giải quyết lại nội dung vụ tranh chấp. Khi Hội đồng xét đơn cho rằng phán quyết trọng tài giải quyết sai về nội dung, Hội đồng xét đơn vừa viện dẫn các quy định cụ thể của pháp luật nội dung vừa suy diễn một số quy định thuộc về nguyên tắc cơ bản của BLDS, Luật TTTM… để không công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài. Nghiên cứu các quyết định mà Hội đồng xét đơn áp dụng điểm b khoản 2 Điều 370 BLTTDS (2. Quyết định của Trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, nếu Toà án Việt Nam xét thấy: a)…b) Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam) để không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài, dễ dàng nhận thấy Hội đồng xét đơn đã diễn dải, suy diễn theo chủ quan của mình về việc phán quyết trọng tài của nước ngoài (và cả phán quyết trọng tài trong nước khi áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM) đã vi phạm nguyên tắc cơ bản nào đó của pháp luật. Việc Hội đồng xét đơn hiểu không đúng khi áp dụng điểm b khoản 2 Điều 370 BLTTDS và việc xem xét lại nội dung vụ tranh chấp đã được trọng tài giải quyết là vi phạm khoản 4 Điều 369 BLTTDS (Hội đồng không xét xử lại vụ tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài giải quyết mà chỉ kiểm tra, đối chiếu quyết định của Trọng tài nước ngoài, các giấy tờ, tài liệu kèm theo với các quy định của Bộ luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có liên quan để ra quyết định). - Năm là: chỉ căn cứ vào pháp luật Việt Nam để xác định phán quyết của Hội đồng trọng tài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trung tâm trọng tài nước ngoài không phù hợp với pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, có những trường hợp Hội đồng xét đơn đã: + Chưa xem xét đánh giá một cách khách quan toàn diện đầy đủ, chỉ căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam để xác định Thành phần của Hội đồng trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với pháp luật Việt Nam; + Chưa xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc; chưa yêu cầu các đương sự cung cấp đầy đủ tài liệu về những vấn đề các bên còn có ý kiến khác nhau… Những sai sót trong quá trình xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (cũng như hủy phán quyết trọng tài trong nước) trong thời gian vừa qua là rất đáng báo động, cần phải được rút kinh nghiệm kịp thời. Việc hủy phán quyết trọng tài trong nước, không công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài không đúng sẽ tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội; gián tiếp “khuyến khích” các doanh nghiệp vi phạm hợp đồng, vi phạm thỏa thuận, ảnh hư�ng đến môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; từ đó, các thương nhân nước ngoài sẽ ngại ký kết các hợp đồng với đối tác Việt Nam, giảm niềm tin của các doanh nghiệp đối với việc lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, ảnh hưởng đến hoạt động trọng tài, một phương thức giải quyết tranh chấp đang được nhà nước khuyến khích. Điều đáng quan ngại đối với việc không công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài không đúng, thiếu sức thuyết phục không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nền tư pháp Việt Nam. 2. Một số vấn đề cần chú ý khi xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài Để khắc phục những sai lầm, thiếu sót từng bước nâng cao chất lượng xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, tác giả nêu ra một số điều cần chú ý là: - Thứ nhất: khi xét đơn yêu cầu, ngoài việc căn cứ các quy định của pháp luật Việt Nam về các vấn đề có liên quan, Hội đồng xét đơn yêu cầu còn phải căn cứ vào Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có liên quan, pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi quyết định đã được tuyên (nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng); quy tắc trọng tài của Trọng tài nước ngoài mà các bên thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp… để ra quyết định. Ví dụ, khi xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài thuộc Hiệp hội Bông quốc tế (ICA) có trụ sở tại Liverpool Vương quốc Anh, ngoài việc kiểm tra, đối chiếu quyết định của Trọng tài thuộc Hiệp hội Bông quốc tế, các giấy tờ, tài liệu kèm theo với các quy định có liên quan về xét đơn yêu cầu của BLTTDS, Hội đồng xét đơn yêu cầu còn phải căn cứ vào Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài; Quy tắc trọng tài của Trọng tài thuộc Hiệp hội Bông quốc tế (ICA) và pháp luật mà các bên đương sự lựa chọn để giải quyết. - Thứ hai: khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu phải thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 369 BLTTDS là không xét xử lại vụ tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài giải quyết; chỉ kiểm tra, đối chiếu quyết định của Trọng tài nước ngoài, các giấy tờ, tài liệu kèm theo với các quy định trong quy tắc tố tụng trọng tài giải quyết việc tranh chấp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có liên quan, quy định của BLTTDS, các quy định khác của pháp luật Việt Nam để giải quyết. Khi xem xét các tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là các chứng cứ có liên quan đến thủ tục tố tụng (tống đạt các văn bản tố tụng của trọng tài) phải căn cứ vào các quy định trong quy tắc trọng tài để xem xét, làm rõ việc Trọng tài nước ngoài đã gửi các văn bản thông báo cho bên Việt Nam có theo đúng Quy tắc trọng tài của Trọng tài nước ngoài, mà các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không? Không thể chỉ đơn thuần cho rằng việc gửi các văn bản tố tụng trọng tài này vào thư điện tử cá nhân của một nhân viên trong Công ty của bên Việt Nam, để cho rằng Công ty của bên Việt Nam không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài. Bởi lẽ, theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 và khoản 15 Điều 3 Luật thương mại năm 2005 về thói quen trong hoạt động thương mại, tập quán thương mại, về thông điệp dữ liệu và các hình thức có giá trị tương đương văn bản, thì việc gửi thông báo qua thư điện tử (email) cá nhân có thể được chấp nhận nếu có căn cứ cho rằng đây là “thói quen” trong hoạt động thương mại. Hay nói chính xác là các bên đã sử dụng hình thức giao tiếp đó trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng.v.v… Như vậy, nếu có căn cứ cho rằng quá trình giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng trước đó mà các bên đã sử dụng chính địa chỉ thư điện tử cá nhân của nhân viên Công ty để thực hiện các giao dịch, có liên quan đến việc giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng…thì việc gửi thông báo của Trọng tài nước ngoài đến địa chỉ này cũng được chấp nhận. Ngoài việc gửi thông báo về thủ tục tố tụng trọng tài qua thư điện tử, Bên yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài còn cung cấp chứng cứ về việc gửi thông báo, tài liệu có liên quan đến phán quyết trọng tài cho phía Việt Nam…bằng việc chuyển phát nhanh quốc tế, bằng fax, điện báo... Đối với trường hợp này, nếu bên phải thi hành không thừa nhận đã nhận được các văn bản tố tụng của Trọng tài nước ngoài thì Hội đồng xét đơn yêu cầu bên phải thi hành phán quyết trọng tài cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc không nhận được các văn bản tố tụng đó. Vì nghĩa vụ chứng minh là thuộc bên phải thi hành phán quyết trọng tài, chứ không phải là bên yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết cũng có thể yêu cầu bên yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài cung cấp tài liệu, chứng cứ về việc bên phải thi hành phán quyết trọng tài đã được cơ quan có thẩm quyền của phía Việt Nam (như Cơ quan Bưu điện) chuyển giao tới đúng địa chỉ mà các bên trước đây vẫn giao dịch, hoặc là địa chỉ giao dịch cuối cùng trước khi tranh chấp, trước khi khởi kiện các văn bản tố tụng đó. Trong trường hợp cần thiết và theo yêu cầu của đương sự, Tòa án tiến hành xác minh, kiểm tra tài liệu mà các bên cung cấp chứng cứ (có thể trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ) nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được đúng pháp luật. Việc gửi văn bản, thông báo, tống đạt giấy tờ tài liệu thế nào được coi là hợp lệ trong tố tụng trọng tài nước ngoài, hiện nay các Thẩm phán còn nhận thức khác nhau. Có Thẩm phán căn cứ vào tố tụng dân sự của Việt Nam để xem xét, đánh giá, đây là nhận thức không đúng. Ví dụ: nếu một bên thay đổi địa chỉ liên lạc (thư điện tử, số fax…), nơi đặt trụ sở, văn phòng… mà không thông báo cho đối tác bên kia biết, nên đối tác và Trung tâm trọng tài vẫn gửi thông báo, tống đạt giấy tờ, tài liệu đến đúng địa chỉ (cũ) mà trước đây các bên vẫn giao dịch; dù bị đơn không nhận được các văn bản tố tụng đó, nhưng việc gửi các văn bản tố tụng đã được thực hiện đúng theo thỏa thuận trọng tài hoặc theo đúng quy tắc tố tụng trọng tài, nơi trọng tài ra phán quyết mang quốc tịch… thì việc gửi tài liệu, văn bản tố tụng đó vẫn được coi là tống đạt hợp lệ, không vi phạm tố tụng trọng tài về vấn đề này. - Thứ ba: về căn cứ xác định năng lực (thẩm quyền) ký kết thỏa thuận trọng tài: Khi xem xét vấn đề này, Hội đồng xét đơn yêu cầu cần căn cứ vào pháp luật được áp dụng cho mỗi bên để xác định người ký kết thỏa thuận trọng tài có năng lực (thẩm quyền) để ký kết thỏa thuận trọng tài đó hay không; không thể căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam để xác định người ký kết thỏa thuận trọng tài của phía nước ngoài không có năng lực (thẩm quyền) để ký kết thỏa thuận trọng tài đó và ngược lại, không thể căn cứ quy định của pháp luật của nước ngoài để xác định người ký thỏa thuận trọng tài của phía Việt Nam không có năng lực (thẩm quyền) để ký kết thỏa thuận đó. - Thứ tư: về căn cứ xác định giá trị pháp lý (hiệu lực) của thoả thuận trọng tài: Khi xem xét vấn đề này, Hội đồng xét đơn yêu cầu cần căn cứ vào pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc căn cứ vào pháp luật của nước nơi quyết định đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thoả thuận đó, để xác định thoả thuận trọng tài có giá trị pháp lý hay không. Có vấn đề không được nhầm lẫn là thỏa thuận trọng tài độc lập với hợp đồng chính, dù nó có nằm trong một hoặc một vài điều khoản trong hợp đồng chính, trong phụ lục hợp đồng. Hợp đồng chính có vô hiệu, thỏa thuận trọng tài vẫn có giá trị pháp lý. - Thứ năm: về căn cứ xác định Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài. Khi xem xét vấn đề này, Hội đồng xét đơn yêu cầu cần căn cứ vào thoả thuận trọng tài hoặc căn cứ vào pháp luật của nước nơi quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên, nếu thoả thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó, để xác định Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài có phù hợp với thoả thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên hay không. - Thứ sáu: nếu trong quá trình xét đơn yêu cầu mà có đương sự đề nghị thì Hội đồng xét đơn yêu cầu tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận về việc thi hành phán quyết trọng tài. Trên cơ sở thỏa thuận của các bên, tùy từng trường hợp mà Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hay mở phiên họp xét đơn yêu cầu theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 368 BLTTDS. 3. Một số ý kiến đề xuất Để từng bước nâng cao chất lượng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong nước cũng như công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, tác giả có một vài kiến nghị như sau: 3.1. Về hướng dẫn xây dựng pháp luật - Sớm tiến hành nghiên cứu, tổng kết chuyên đề về thực tiễn giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài Việt Nam, đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài từ đó rút ra các sai lầm, thiếu sót, nguyên nhân của các sai lầm thiếu sót làm cơ sở cho việc ra văn bản hướng dẫn. - Ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng các quy định của BLTTDS về vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài. - Trong quá trình áp dụng các quy định tại Chương 29, Phần thứ 6 BLTTDS cho thấy một trong những nguyên nhân giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam rất chậm là do có những quy định chưa hợp lý. Theo quy định tại Điều 364 BLTTDS thì đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài phải được gửi đến Bộ Tư pháp, sau đó đơn mới được chuyển đến Tòa án có thẩm quyền. Dù Điều 366 quy định trong thời hạn 07 ngày Bộ Tư pháp phải chuyển hồ sơ cho Tòa án, nhưng thực tế cũng phải từ 01 đến 02 tháng, hoặc cũng có trường hợp mất thời gian nhiều hơn. Vì vậy, Tòa án có thẩm quyền chậm trễ kết thúc vụ việc. Theo quy định hiện hành thì đơn yêu cầu phải chuyển Bộ Tư pháp, sau đó mới được chuyển đến Tòa án. Theo tác giả, nên quy định đơn yêu cầu phải gửi ngay tới TAND tối cao, TAND tối cao kiểm tra hồ sơ đã đầy đủ giấy tờ, tài liệu theo luật quy định chưa, sau đó chuyển ngay đến TAND có thẩm quyền. TAND tối cao phải có bộ phận chuyên theo dõi việc xử lý, sẽ hạn chế việc kéo dài như hiện nay. - Việt Nam là một trong 154 nước tham gia Công ước NewYork. Công ước quốc tế này có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh việc công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài, nó có thủ tục rất riêng với những nét rất đặc thù. Do đó, nên cân nhắc có thể tách Chương 29 thành một phần riêng trong BLTTDS để hạn chế hiểu sai, nhầm lẫn giữa tố tụng trọng tài với tố tụng dân sự và nội luật hóa những nội dung cơ bản của Công ước. Đồng thời, thời hiệu yêu cầu không phải một năm như quy định hiện hành mà phải dài hơn, ít ra cũng phải 05 năm (có những nước quy định thời hiệu yêu cầu tới 10 năm). - Hiện nay, BLTTDS quy định việc giải quyết đơn yêu cầu được thực hiện theo hai cấp xét xử. Quyết định của Tòa phúc thẩm TAND tối cao là quyết định cuối cùng, không có giám đốc thẩm. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, một tỷ lệ đáng kể quyết định xét đơn yêu cầu có hiệu lực pháp luật, nhưng có những sai lầm nghiêm trọng, song không có cơ chế sửa sai, gây nên những bức xúc cho đối tác nước ngoài. Để việc giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài vừa không mất thời gian quá dài, vừa có cơ chế kiểm soát, sửa chữa sai sót thì nên quy định cho TAND cấp cao giải quyết loại việc này; quyết định của TAND cấp cao có hiệu lực thi hành; đồng thời, quy định một thời gian hợp lý để TAND tối cao xem xét đơn khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm, nếu đương sự có yêu cầu và TAND tối cao xét thấy quyết định xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài của TAND cấp cao có sai lầm nghiêm trọng, thì Chánh án TAND tối cao kháng nghị và Hội đồng Thẩm phán xét xử giám đốc thẩm. Đây là một sự lựa chọn phù hợp với tình hình hiện nay, nên cần được bổ sung vào BLTTDS. - Điều 5.1 của Công ước NewYork năm 1958 đã quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc bên phải thi hành phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài đã được một cơ quan tài phán tư ban hành. Do đó, bên phải thi hành phán quyết muốn từ chối công nhận và cho thi hành thì phải đưa ra các chứng cứ chứng minh trước Tòa án. BLTTDS hiện hành chưa quy định rõ về vấn đề này. Vì vậy, cần phải nội luật hóa nghĩa vụ chứng minh, cung cấp chứng cứ thuộc về bên phải thi hành phán quyết trọng tài, nếu muốn được Tòa án chấp nhận yêu cầu từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài. - Về việc hỗ trợ hoạt động của Trọng tài nước ngoài, hiện nay BLTTDS và Luật TTTM chưa quy định về vấn đề này, nên khi Trọng tài nước ngoài yêu cầu thì Tòa án Việt Nam không có cơ sở pháp lý xem xét. Như vậy, là chưa phù hợp với quy định tại luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Liên hợp quốc. Vì thế cần phải bổ sung vào BLTTDS thẩm quyền này cho Tòa án. 3.2. Về công tác cán bộ - TAND tối cao cần có một bộ phận chuyên theo dõi việc thụ lý, giải quyết và hướng dẫn các vướng mắc về áp dụng pháp luật trọng tài (gồm có Luật TTTM và các quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài được quy định trong BLTTDS). - Nên bố trí các Thẩm phán có năng lực chuyên giải quyết loại việc này. Hiện nay, nhiều Tòa án không bố trí Thẩm phán chuyên về một loại việc, nên người được cử đi tập huấn, nhưng sau đó không được phân công giải quyết loại việc đã được tập huấn, nên hiệu quả tập huấn bị hạn chế. - Nên tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyên sâu từng chủ đề về trọng tài giúp cho các Thẩm phán có cách tiếp cận đúng. Ví dụ: có các chuyên đề rút kinh nghiệm thông qua các sai sót trong thực tiễn xét xử thời gian vừa qua; chuyên đề về những nội dung cơ bản của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các chuyên đề về những nội dung cơ bản trong Luật TTTM, phần quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài trong BLTTDS và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
                                                                                                                              Tưởng Duy Lượng

Không có nhận xét nào: