Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Giải đáp một số vấn đề vướng mắc trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự




Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự (hiểu theo nghĩa rộng) không tránh khỏi những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn giải
quyết các loại án này. Để góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự - một loại án chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số các vụ án mà ngành Tòa án nhân dân phải giải quyết, chúng tôi xin mạnh dạn trao đổi và giải đáp về một số vấn đề như sau:


I/Về các vụ việc hôn nhân và gia đình

1/Về xác định tư cách người tham gia tố tụng trong việc giải quyết việc hôn nhân gia đình:

- Trường hợp cả vợ và chồng đều có đơn riêng hoặc đơn chung yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và vợ là người nộp tạm ứng án phí thì Tòa án xác định tư cách tham gia tố tụng của họ như thế nào?

Trước hết, trong việc hôn nhân và gia đình không có nguyên đơn hay bị đơn mà chỉ có người yêu cầu và người liên quan. Trong trường hợp cả vợ và chồng đều có đơn riêng hoặc đơn chung yêu cầu Tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn của họ thì cả vợ và chồng đều là người yêu cầu và không có người liên quan. Trường hợp này cũng tương tự như nhiều nguyên đơn cùng khởi kiện một vụ án. Việc vợ hay chồng nộp án phí hoặc nộp tạm ứng án phí không ảnh hưởng đến yêu cầu hoặc tư cách tham gia tố tụng của người còn lại. Trách nhiệm nộp tiền tạm ứng án phí hay án phí khi Tòa án giải quyết việc thuận tình ly hôn là trách nhiệm của cả hai người chứ không phải là trách nhiệm của riêng người vợ đã nộp tạm ứng án phí.

2/ Về việc định giá tài sản

Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS) thì Tòa án chỉ ra quyết định định giá trong các trường hợp:

- Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự.

- Các đương sự thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.

Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá nhưng không yêu cầu định giá. Việc không định giá tài sản sẽ không có căn cứ để giải quyết việc tranh chấp tài sản. Trong trường hợp này, Tòa án có tự ra quyết định định giá tài sản không và nếu có thì ai là người phải chịu chi phí định giá tài sản?

Việc định giá tài sản trong các vụ án có tranh chấp tài sản đã được hướng dẫn tại điểm 7 Mục IV Nghị quyết số 04/2005NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, tại tiểu mục 7.1 đã hướng dẫn "Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong các trường hợp sau:

a- Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự vì lý do các bên không thỏa thuận được về giá của tài sản đang tranh chấp;

b- Các bên đương sự thỏa thuận về giá của tài sản đang tranh chấp, nhưng có căn cứ rõ ràng chứng minh rằng mức giá mà các bên đương sự thỏa thuận thấp hơn giá thị trường tại địa phương nơi có tài sản tranh chấp hoặc thấp hơn khung giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với tài sản cùng loại, nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí (trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước).

Trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm, Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại thì việc định giá tài sản lại chỉ được thực hiện khi một hoặc các bên đương sự có yêu cầu. Việc định giá tài sản lại được thực hiện theo thủ tục chung.”

Như vậy, một trong những căn cứ quan trọng, mang tính bắt buộc để Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp là yêu cầu của một bên hoặc các bên đương sự. Khi không có căn cứ này, trong mọi trường hợp, Tòa án không được tự mình ra quyết định định giá tài sản.

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chưa có hướng dẫn về trường hợp các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá, cũng không yêu cầu Tòa án định giá thì giải quyết như thế nào. Theo chúng tôi, nếu các đương sự không thỏa thuận được về giá tài sản đang tranh chấp và cũng không yêu cầu Tòa án định giá tài sản thì về nguyên tắc, Tòa án không được tự ra quyết định định giá tài sản. Trong trường hợp này, Tòa án cần giải thích cho các đương sự quy định của pháp luật về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ mà trong đó chứng cứ về giá của tài sản đang có tranh chấp là rất quan trọng để giải quyết vụ án. Nếu không có chứng cứ về định giá tài sản thì Tòa án không thể giải quyết về vấn đề tranh chấp tài sản của vụ án mà chỉ giải quyết được các yêu cầu khác. Trường hợp sau khi đã giải thích cho các đương sự rõ về một số quy định của pháp luật dân sự mà các đương sự vẫn không thỏa thuận được về giá, không yêu cầu Tòa án định giá tài sản đang tranh chấp thì Tòa án không giải quyết vì coi như họ không còn yêu cầu này. Tòa án chỉ giải quyết khi có yêu cầu bằng một vụ kiện khác (chẳng hạn như tranh chấp tài sản sau ly hôn).

3/ Về thẩm quyền xét xử

Trường hợp vụ án Hôn nhân và gia đình khi Tòa án thụ lý và xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì các đương sự đều đang ở địa phương, nhưng sau khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì có một trong các bên đương sự đi lao động ở nước ngoài. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm bị Tòa án nhân dân tối cao hủy theo trình tự giám đốc thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, xét xử lại. Vậy vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hay của Tòa án nhân dân cấp huyện?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự thì:

“3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện”.

Như vậy, khi các đương sự còn đang ở địa phương thì Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý, xét xử vụ án hôn nhân và gia đình là đúng quy định tại khoản 1 Điều 33 BLTTDS. Vụ án có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm (TAND tỉnh) giải quyết cũng đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án này theo trình tự giám đốc thẩm thì TANDTC không biết là ở thời điểm đó đã có một trong các bên đương sự đi lao động ở nước ngoài, tức là đã "có đương sự ở nước ngoài" nên quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án sơ thẩm thụ lý, xét xử lại. Do đó, khi nhận được hồ sơ vụ án, về nguyên tắc thì Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm phải thụ lý vụ án. Sau khi thụ lý, một trong các đương sự không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm này nên theo hướng dẫn tại tiểu mục 4.1 điểm 4 phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì TAND cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết vụ án này và TAND cấp huyện báo cáo Tòa án nhân dân cấp tỉnh để chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo trình tự sơ thẩm vụ án này. Cũng có quan điểm cho rằng TAND cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết vụ án vì theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 4.4 điểm 4 phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì "Đối với những vụ việc dân sự không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS và được hướng dẫn tại các tiểu mục 4.1,4.2 và 4.3 mục 4 này và được TAND cấp huyện thụ lý và giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi, như có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài thì theo quy định tại Điều 412 BLTTDS, TAND cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó”. Theo hướng dẫn này thì TAND cấp huyện có quyền ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài hoặc cho Tòa án nước ngoài. Tuy nhiên, hướng dẫn cũng không cụ thể về trình tự ủy thác như thế nào. Nếu theo quan điểm này thì ngoài vướng mắc về trình tự ủy thác tư pháp nêu trên, còn có vướng mắc là sự thay đổi về đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản ở nước ngoài không phải là phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án của TAND cấp huyện vì trên thực tế TAND cấp huyện đã giải quyết xong vụ án, nhưng vì lý do nào đó bị hủy và phải thụ lý lại vụ án đó.

Do vậy, theo chúng tôi TAND cấp huyện không giải quyết vụ án này thì thuận lợi hơn.

4/ Trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, vợ và chồng đều khai đã đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền vào tháng 02/1992, nhưng do bị mất giấy chứng nhận kết hôn nên tháng 8/2004 hai vợ chồng đã ra UBND xã đang ký kết hôn lại, UBND xã đã tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn cho họ và đóng dấu “Đăng ký lại”. Tại mục ngày đăng ký của giấy chứng nhận đăng ký kết hôn ghi: Ngày 20/8/2004 (không thể hiện ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn lần đầu). Hiện nay UBND xã không còn lưu giữ Sổ theo dõi đăng ký kết hôn năm 1992. Tòa án xác định thời điểm đăng ký kết hôn của vợ, chồng họ vào năm nào?

Mặc dù vợ, chồng đều khai đã đăng ký kết hôn tại UBND xã vào tháng 02/1992, nhưng không đưa ra được chứng cứ để chứng minh lời khai của mình. UBND xã cũng không xác nhận là "cấp lại”mà xác nhận "đăng ký lại"và cũng không có xác nhận ngày, tháng, năm kết hôn lần đầu. Do đó, chứng cứ để xác định ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn của vợ, chồng là giấy đăng ký kết hôn do UBND xã cấp ngày 20/8/2004.

Tuy nhiên, theo chúng tôi Tòa án nên xác minh tại UBND xã để hiểu rõ xác nhận "Đăng ký lại" là cấp cho những trường hợp nào? Cũng có thể xác minh ở địa phương về thời điểm kết hôn của họ để xác định đúng thời điểm kết hôn.

5/ Trong quá trình giải quyết vụ án, cả nguyên đơn và bị đơn đều chỉ yêu cầu giải quyết về quan hệ hôn nhân và con chung. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm một trong hai bên lại có yêu cầu giải quyết về tài sản. Tòa án giải quyết thế nào?

Trong vụ án hôn nhân và gia đình, Tòa án giải quyết ba mối quan hệ là quan hệ hôn nhân, con cái và tài sản. Tùy theo yêu cầu khởi kiện của đương sự, có thể Tòa án chỉ giải quyết một, hai mối quan hệ này hoặc phải giải quyết cả ba mối quan hệ. Về nguyên tắc thì Tòa án không được giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự hay không được giải quyết các mối quan hệ mà đương sự không yêu cầu, ngược lại khi đương sự có yêu cầu mà yêu cầu đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án phải giải quyết.

Trường hợp nêu trên, tuy cả nguyên đơn và bị đơn chỉ yêu cầu giải quyết về quan hệ hôn nhân và con chung nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, một trong hai bên lại có yêu cầu giải quyết về tài sản (tức là đương sự đã bổ sung yêu cầu khởi kiện mà yêu cầu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) do đó Tòa án phải hoãn phiên tòa để giải quyết yêu cầu này theo thủ tục chung (kê khai tài sản, định giá tài sản, hòa giải về tài sản…) và đó cũng là căn cứ để Tòa án giải quyết trong cùng một vụ án ly hôn. Nếu Tòa án tách quan hệ tài sản để giải quyết thành một vụ án khác vì lý do trong giai đoạn chuẩn bị xét xử các đương sự không có yêu cầu giải quyết là bỏ sót yêu cầu của đương sự và gây thêm phức tạp cho việc giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân, đồng thời Tòa án lại phải thụ lý, giải quyết thêm một vụ án về tranh chấp tài sản sau ly hôn.

6/ Trong vụ án ly hôn, vợ chồng thừa nhận nhà và công trình phụ đều làm trên đất lấn chiếm, không hợp pháp. Vợ và chồng đều có nhu cầu về nơi ở. Người chồng yêu cầu định giá tài sản và đồng ý trả bằng hai lần giá trị tài sản người vợ được hưởng. Người vợ yêu cầu chia hiện vật và trả chênh lệch theo giá trị mà Hội đồng định giá đã định giá.

Tòa án có quyền chấp nhận yêu cầu của người chồng không, việc chấp nhận đó có bảo đảm quyền lợi của người vợ không ?

Việc chia tài sản bằng hiện vật hay bằng giá trị là tùy thuộc vào sự đánh giá của Hội đồng xét xử. Trường hợp cụ thể này, nhà và công trình phụ đều làm trên đất không hợp pháp nên Hội đồng định giá chỉ định giá các vật liệu xây dựng hiện có mà không được định giá quyền sử dụng đất. Nếu Tòa án chia hiện vật (nhà, công trình phụ) cũng chỉ là tạm giao chỗ ở chứ không phải là chia quyền sử dụng hay sở hữu nhà đất. Nếu Tòa án xét thấy có thể chấp nhận đề nghị của người chồng tức là chia bằng hiện vật cho người chồng và người chồng thanh toán gấp đôi giá trị tài sản mà người vợ được hưởng thì người vợ vẫn được Tòa án bảo vệ quyền lợi. Ngược lại nếu Tòa án giao hiện vật cho vợ và chỉ buộc người vợ thanh toán cho người chồng đúng bằng giá trị tài sản mà người chồng được hưởng theo định giá của Hội đồng định giá thì người chồng cũng vẫn được Tòa án bảo đảm quyền lợi. Nếu như diện tích nhà, công trình phụ có thể phân chia được thì Tòa án tạm giao bằng hiện vật cho hai vợ chồng. Nếu có chênh lệch về diện tích sử dụng hoặc thuận tiện trong buôn bán, làm ăn hay sinh hoạt thì thanh toán phần chênh lệch đó giữa hai bên.

7/ Vợ chồng ông A và bà B không có con chung nên năm 1998 đã nhận cháu gái C làm con nuôi. Năm 2008 bà B chết, ông A bỏ đi nên cháu C ở với họ hàng bà B. Năm 2010, ông A về, bắt cháu C ngủ chung và có hành vi đồi bại với cháu C. Bà D là dì cháu C (em ruột bà B) khởi kiện yêu cầu chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi giữa ông A và cháu C. Bà D có phải là người đại diện cho cháu C không ?

Theo quy định tại Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự thì người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “Người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ”.

Theo quy định nêu trên thì bà D có quyền khởi kiện với tư cách là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cháu C (người đại diện theo pháp luật).

8/ Người chồng xin ly hôn vợ vì lý do người vợ bị tâm thần. Người vợ cho là mình không bị tâm thần và không yêu cầu phải giám định. Tòa án có xử được không ?

Nghĩa vụ chứng minh thuộc về người chồng. Người chồng xin ly hôn với lý do vợ bị tâm thần thì phải chứng minh được vợ tâm thần. Việc chứng minh này có thể là bệnh án điều trị tâm thần, giám định của cơ quan y tế kết luận người vợ bị bệnh tâm thần… Nếu người chồng không chứng minh được chứng cứ này và người vợ khẳng định không bị tâm thần thì Tòa án không chấp nhận lý do xin ly hôn của người chồng và vẫn giải quyết, xét xử theo thủ tục chung.

9/ Vợ xin ly hôn chồng và xuất trình một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hai vợ chồng. Chồng khiếu nại cho rằng mình không xin cấp đất nên chính quyền đã thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tòa án có xác định đất đó là của vợ chồng không ?

Mặc dù người chồng cho rằng không xin đất nên Ủy ban nhân dân đã thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng về mặt chứng cứ thì người vợ vẫn xuất trình được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hai vợ chồng. Để xác định chính xác, Tòa án cần xác minh tại địa phương để xác định có việc thu hồi đất của chính quyền hay không. Nếu chính quyền đã thu hồi (bằng quyết định) thì vợ chồng không còn quyền sử dụng đất đó nữa và tất nhiên là Tòa án không có căn cứ để giải quyết về quyền sử dụng đất. Ngược lại, nếu chính quyền không thu hồi thì đất đó thuộc quyền sử dụng của vợ chồng và Tòa án được quyền phân chia quyền sử dụng. Nếu người chồng không có nhu cầu sử dụng đất thì có thể giao cho người vợ hoặc kiến nghị Ủy ban nhân dân có thẩm quyền thu hồi phần đất mà Tòa án chia cho người chồng.

10/ Trường hợp Tòa án đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, công nhận thỏa thuận về con chung, riêng phần tài sản là quyền sử dụng đất thì các bên không yêu cầu Tòa án giải quyết. Sau khi ly hôn, các bên có tranh chấp đất và yêu cầu Tòa án giải quyết, Tòa án có thụ lý việc kiện không?

Mặc dù đây là vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn, nhưng tài sản có tranh chấp lại là quyền sử dụng đất đai, do đó căn cứ Điều 136 Luật Đất đai thì: tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được quyền khởi kiện ở Tòa án. Do vậy, việc tranh chấp đất đai chưa thông qua hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thì đương sự chưa được khởi kiện ở Tòa án. Trường hợp này Tòa án không thụ lý vụ kiện vì chưa đủ điều kiện. Tòa án hướng dẫn đương sự về xã, phường, thị trấn hòa giải, nếu hòa giải không thành thì khởi kiện ở Tòa án, Tòa án thụ lý nếu như tranh chấp quyền sử dụng đất này thuộc thẩm quyền của Tòa án.

11/ Đương sự là người Việt Nam, đang học tập hoặc làm ăn ở nước ngoài, nhưng họ về Việt Nam và xin ly hôn với người đang ở Việt Nam. Tòa án nhân dân huyện có được giải quyết vụ án này không?

Theo khoản 3 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự thì những tranh chấp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài hoặc cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Tiểu mục 4.1 điểm 4 phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ – HĐTP ngày 31/03/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: Đương sự ở nước ngoài bao gồm:

a) Đương sự là cá nhân không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam mà không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự…

Tiểu mục 4.2: Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự

Tiểu mục 4.3 "Cần phải ủy thác cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án nước ngoài…”

Như vậy một người không phân biệt là người Việt Nam hay người nước ngoài nhưng có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện nếu như không có tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài hoặc Tòa án nước ngoài.

12/ Sau khi Tòa án thụ lý vụ án ly hôn mới phát hiện ra bị đơn có dấu hiệu tâm thần, thể hiện bằng giấy đi viện và sổ điều trị tâm thần. Tòa án yêu cầu bị đơn đi giám định nhưng họ từ chối. Tòa án phải giải quyết như thế nào? Có đình chỉ, tạm đình chỉ được không? Có được xác minh để đưa vụ án ra xét xử không?

Trước hết Tòa án chỉ được phép ra quyết định trưng cầu giám định khi có sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự (kể cả trong trường hợp cần thiết phải giám định lại). Do đó, Tòa án không thể yêu cầu bị đơn hay nguyên đơn đi giám định và càng không thể tự mình ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp nêu trên nếu không có yêu cầu của các bên đương sự thì Tòa án cũng không thể tự mình đi điều tra xác minh. Tòa án cũng không được ra quyết định đình chỉ hay tạm đình chỉ vì không có căn cứ nào cho phép ra các quyết định này. Tòa án căn cứ vào các tài liệu do các bên đương sự cung cấp, các tài liệu chứng cứ do Tòa án thu thập (lấy lời khai, đối chất…) để có thể giải quyết đúng đắn vụ án ly hôn.

13/ Về việc tính án phí trong vụ án hôn nhân và gia đình.

13.1- Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng khai ra các khoản nợ chung và Tòa án xác định nợ chung để buộc vợ, chồng có trách nhiệm trả nợ thì có được trừ vào tài sản chung, còn lại giá trị tài sản mỗi bên được hưởng mới tính án phí chia tài sản không? Vợ, chồng có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về nợ chung không? Những khoản nợ xác định là nợ riêng của vợ, chồng thì người có nghĩa vụ trả nợ có phải nộp án phí không?

Thực chất, việc giải quyết quan hệ nợ chung hay nợ riêng của vợ, chồng trong vụ án ly hôn chính là việc Tòa án giải quyết một mối quan hệ dân sự, một tranh chấp dân sự trong vụ án ly hôn (tương tự như việc Tòa án giải quyết về trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự).

Trong vụ án ly hôn thì chủ nợ của vợ, chồng hoặc của riêng vợ hoặc chồng được Tòa án xác định tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Về nguyên tắc khi phân chia tài sản vợ chồng thì Tòa án phải trừ phần nợ (khoản nợ ) chung của vợ chồng, tài sản còn lại mới phân chia. Yêu cầu được trả nợ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án ly hôn là yêu cầu độc lập. Nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập của họ. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận. (Khoản 6 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án).

Trong vụ án ly hôn, người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của chủ nợ (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) chính là vợ, chồng hoặc một trong hai người khi khoản nợ đó là nợ riêng. Do đó, khi Tòa án xác định khoản nợ chung của vợ chồng và xử buộc vợ, chồng phải có nghĩa vụ trả nợ thì người có nghĩa vụ trả nợ (vợ, chồng) phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần mà họ phải trả nợ.

Ví dụ: Vợ chồng có khối tài sản chung là 200 triệu đồng, khoản nợ chung là 100 triệu đồng. Tòa án buộc vợ, chồng mỗi người phải trả nợ 50 triệu đồng thì án phí sơ thẩm của mỗi người là 50 triệu x 5%.

Giả sử sau khi đã trừ các khoản nợ vào tài sản chung, số tài sản còn lại là 100 triệu đồng được Tòa án phân chia cho mỗi người (vợ, chồng ) 50 triệu đồng thì án phí dân sự sơ thẩm của mỗi người là 50 triệu x 5%.

Đối với trường hợp có khoản nợ riêng của vợ hoặc chồng thì người có nghĩa vụ trả nợ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về khoản nợ riêng mà Tòa án đã chấp nhận yêu cầu của chủ nợ (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan)

Ví dụ: Chồng vay một khoản tiền là 20 triệu đồng để sử dụng vào việc riêng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu người chồng trả nợ thì khoản nợ riêng này không đối trừ vào phần tài sản chung vợ chồng. Tòa án xử buộc chồng phải trả nợ cho người liên quan 20 triệu và phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 20 triệu đồng x 5%.

13.2/ Trường hợp trong vụ án ly hôn có tranh chấp về quyền sử dụng đất, người chồng và gia đình chồng khai đất của gia đình chưa cho vợ chồng, người vợ lại khẳng định đất đó gia đình chồng đã tách cho vợ chồng và yêu cầu được chia quyền sử dụng đất (chia đất).

- Nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu của người vợ thì người vợ có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị tài sản không được chấp nhận không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì nguyên đơn, bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu mà Tòa án không chấp nhận. Như vậy trong trường hợp nêu trên người vợ (có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn) có yêu cầu được chia tài sản là quyền sử dụng đất. Nếu yêu cầu này của người vợ không được Tòa án chấp nhận thì người vợ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận.

13.3/ Trường hợp nguyên đơn, bị đơn thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng nuôi con trước khi mở phiên tòa sơ thẩm thì người cấp dưỡng có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không?

Theo quy định tại khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì "Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Tòa án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch”. Có nghĩa là phải chịu 200.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án quy định "Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí quy định”.

Theo các quy định nêu trên thì nguyên đơn, bị đơn thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng nuôi con trước khi Tòa án mở phiên tòa thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu 50% án phí dân sự sơ thẩm (200.000 đồng : 2 = 100.000 đồng).

13.4/ Trường hợp đương sự có đơn kháng cáo, cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo, nhưng vẫn sửa bản án sơ thẩm do Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án không đầy đủ hoặc sửa bản án theo kháng nghị của Viện kiểm sát về những nội dung khác không liên quan đến kháng cáo. Trong trường hợp này, người kháng cáo có phải chịu án phí phúc thẩm không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì "Đương sự kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm" ; khoản 2 Điều 30 quy định "Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 27 của Pháp lệnh này”.

Như vậy, trường hợp đương sự kháng cáo nhưng không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận các nội dung kháng cáo của họ thì họ vẫn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Nếu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về các nội dung tuy không liên quan đến nội dung kháng cáo của đương sự nhưng đó là những sai sót của bản án sơ thẩm (như sai sót về án phí, số liệu…) thì cũng là sửa bản án sơ thẩm, nhưng đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trường hợp cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo kháng nghị của Viện kiểm sát mà việc sửa này không liên quan gì đến nội dung kháng cáo của đương sự thì đương sự kháng cáo nhưng không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo cũng không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Đương sự kháng cáo cũng không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm khi các yêu cầu kháng cáo của họ được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận và cao hơn có thể họ còn được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại, xác định lại nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm dân sự mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định với họ.

Ví dụ: Đương sự A kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về việc buộc A phải trả nợ cho B số tiền 200 triệu đồng. Nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của A và sửa án sơ thẩm, chỉ buộc A phải trả cho B là 100 triệu đồng thì Tòa án cấp phúc thẩm không buộc A phải nộp án phí dân sự phúc thẩm, đồng thời phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm của A. Tức là Tòa án cấp phúc thẩm phải sửa bản án sơ thẩm cả về phần án phí dân sự sơ thẩm từ 200 triệu đồng x 5% xuống còn 100 triệu đồng x 5%.

14/ Trường hợp ly hôn với một bên mắc bệnh tâm thần thì thủ tục giải quyết như thế nào?

Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức được, làm chủ được hành vi của mình thì họ là người mất năng lực hành vi dân sự (hoặc không có năng lực hành vi hình sự). Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự (nếu người yêu cầu đưa ra được các chứng cứ xác đáng). Trường hợp ly hôn với một bên mắc bệnh tâm thần thì nguyên đơn phải xuất trình được chứng cứ là bị đơn mắc bệnh tâm thần. Người đại diện theo pháp luật của bị đơn sẽ do Tòa án chỉ định. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự thì đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Đây là quy định đối với trường hợp người có năng lực hành vi dân sự chứ không phải đối với người hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự vì những người này không có khả năng nhận thức và họ không thể ủy quyền được. Cho đến nay Hội đồng Thẩm phán TANDTC chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục xin ly hôn với người mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, theo chúng tôi khi gặp những trường hợp này thì Tòa án phải tiến hành theo các trình tự sau:

- Một là: Nguyên đơn phải yêu cầu Tòa án tuyên bố người vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 319 BLTTDS. Khi Tòa án đã tuyên bố một người (vợ hoặc chồng) mất năng lực hành vi dân sự thì đó là chứng cứ để khởi kiện vụ án ly hôn với người tâm thần.

- Hai là: Khi có yêu cầu xin ly hôn với người tâm thần (mất năng lực hành vi dân sự) thì Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ cho bị đơn theo quy định tại các Điều 58, 60, 62 và 63 của Bộ luật dân sự. Khi có đủ các trình tự trên, Tòa án giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung.

15/ Đối với các vụ án hôn nhân và gia đình, người khởi kiện có bắt buộc phải gửi đơn kiện qua Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hòa giải trước khi khởi kiện tại Tòa án không?

Theo quy định tại điều 86 Luật hôn nhân và gia đình thì: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở”.

Như vậy, các vụ án hôn nhân gia đình không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải cơ sở ở xã, phường, thị trấn vì nhà nước và xã hội chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc. Do đó, người khởi kiện đối với vụ án hôn nhân và gia đình có quyền không thông qua hòa giải cơ sở mà gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Tòa án phải thụ lý và giải quyết.

16/ Khi Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Hôn nhân và gia đình vì lý do nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Tòa án có trả lại cho họ một số giấy tờ cần thiết không?

Nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Tòa án căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Nếu đương sự yêu cầu, Tòa án trả cho họ một số giấy tờ, tài liệu cần thiết mà họ đã nộp kèm theo đơn khởi kiện. (Ví dụ như Đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con, sổ hộ khẩu…) Nếu các tài liệu này là bản chính thì Tòa án phải trả ngay cho đương sự. Việc trả lại các tài liệu này được lập biên bản giao nhận và được lưu trong hồ sơ vụ án.

17/ Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có phải gửi cho chính quyền địa phương nơi đương sự cư trú không?

Theo quy định tại Điều 241 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án chỉ phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp. Bộ luật tố tụng dân sự cũng có quy định tại khoản 2 Điều 315 “quyết định giải quyết việc dân sự phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án có thẩm quyền, người yêu cầu giải quyết việc dân sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định đó trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định”.

Như vậy, kể cả trường hợp Tòa án xét xử hay Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn (việc dân sự), thì luật cũng không quy định Tòa án phải gửi bản án hoặc quyết định cho chính quyền địa phương nơi đương sự cư trú. Do đó, Tòa án không phải gửi quyết định công nhận thuận tình ly hôn cho chính quyền địa phương nơi đương sự cư trú.

18/ Trường hợp ly hôn với người Tòa án đã tuyên bố mất tích thì Tòa án có phải làm thủ tục niêm yết hoặc hòa giải không?

Khi một người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích tức là không còn khả năng liên hệ được với người đó và tất nhiên là người mất tích không thể tham gia hòa giải. Tòa án có thể áp dụng khoản 2 Điều 182 Bộ luật tố tụng dân sự để không tổ chức hòa giải được vì có lý do chính đáng. Đối với việc ly hôn với người bị Tòa án tuyên bố mất tích thì Tòa án cũng không cần thiết phải niêm yết các văn bản tố tụng nơi trước đây người mất tích đã cư trú.

19/ Trong vụ án ly hôn, vợ chồng có con chung đủ 9 tuổi, nhưng người con này đã bỏ nhà đi, không có địa chỉ, Tòa án không lấy được lời khai. Trường hợp này giải quyết như thế nào?

Về nguyên tắc, khi vợ chồng ly hôn mà có con đủ 9 tuổi thì Tòa án phải lấy lời khai của người con đó xem nguyện vọng của cháu muốn ở với bố hay mẹ. Ý kiến của cháu cũng là cơ sở để Tòa án xem xét khi quyết định việc giao con cho ai nuôi. Trường hợp cháu bỏ nhà đi, không có địa chỉ, không lấy được lời khai thì Tòa án cần hỏi vợ, chồng ai nhận nuôi cháu. Nếu cả hai cùng xin nuôi và có trách nhiệm tìm cháu thì Tòa án xem xét quyết định giao cháu cho một người có điều kiện hơn. Nếu chỉ một bên xin nuôi thì Tòa án giao cháu cho người đó. Nếu cả hai đều từ chối việc nuôi con chung thì Tòa án vẫn phải xem xét và quyết định giao con cho một người nuôi. Cũng có ý kiến cho rằng trường hợp này tách việc giao con thành việc kiện khác khi có yêu cầu hoặc khi tìm thấy cháu. Việc giải quyết như vậy không triệt để vì nếu không có ai khởi kiện thì vô hình chung, con chung trong vụ án ly hôn bị biến thành “không gia đình"và không ai có trách nhiệm với cháu. Đây là vấn đề mà Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi chỉ xin nêu quan điểm để các đồng nghiệp tham khảo.

20/ Trong vụ án ly hôn, nguyên đơn ở Bình Giang - Hải Dương, bị đơn đang làm việc tại Gia Lâm - Hà Nội. Tài sản của vợ, chồng (nhà đất) đều ở quê Bình Giang - Hải Dương. Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?

Theo điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự thì “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết vụ án”. Tuy điểm c khoản 1 Điều 35 quy định “Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản"nhưng đây là vụ án ly hôn nên quan hệ pháp luật chính của vụ án này là quan hệ hôn nhân (nhân thân), các quan hệ khác về con, về tài sản là quan hệ phát sinh của quan hệ nhân thân. Do đó Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc là Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn. Trường hợp cụ thể này, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm - Hà Nội là Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu có tranh chấp về nhà đất (bất động sản) đang ở Bình Giang - Hải Dương và nếu đương sự có yêu cầu thì Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm - Hà Nội có thể ủy thác tư pháp cho Tòa án nhân dân huyện Bình Giang - Hải Dương điều tra, xác minh.

21/ Về Hội đồng định giá tài sản

Tòa án có tự mình ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản không?

Khi có đầy đủ các điều kiện (theo yêu cầu của đương sự hoặc đương sự thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước) thì Tòa án mới ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản có tranh chấp. Việc thành lập Hội đồng định giá đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn tại các tiểu mục 7.2, 7.3, 7.4, 7.5, 7.6, điểm 7 Mục IV Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Trong thực tiễn giải quyết, xét xử các loại vụ án, việc định giá tài sản thường gặp nhiều khó khăn không chỉ do phía các đương sự mà còn do chính các cơ quan có trách nhiệm phối hợp không quan tâm đúng mức đến công tác này của Tòa án. Định giá là một thao tác nghiệp vụ quan trọng, kết luận của Hội đồng định giá là chứng cứ quan trọng để Tòa án giải quyết vụ án. Hội đồng định giá lại không cố định vì yêu cầu định giá tài sản khác nhau và vì thế các thành viên của Hội đồng định giá phải là người của các cơ quan chuyên môn khác nhau. Ví dụ như cơ quan nhà đất, cơ quan tài chính, vật giá… Một số Tòa án ở phía Nam đã chủ động tổ chức họp với các cơ quan chuyên môn có liên quan đến việc định giá tài sản để mở rộng mối quan hệ, thông qua đó, các cơ quan này nhận thức rõ được trách nhiệm của mình cũng như thông cảm hơn với công tác của Tòa án để tích cực giúp Tòa án thực hiện quyết định định giá tài sản. Một số Tòa án còn cùng các cơ quan chuyên môn ban hành quy chế phối hợp trong định giá tài sản và tổ chức thực hiện tốt quy chế đó nên việc định giá tài sản có nhiều thuận lợi.

22/ Sau khi thụ lý vụ án dân sự, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm xác định đối tượng tranh chấp không có và không do bị đơn quản lý thì Tòa án sơ thẩm phải xử lý thế nào? Điều luật áp dụng? Có xử bác đơn được không khi Tòa án chưa giải thích cho đương sự? Nếu bác đơn thì đương sự mất quyền khởi kiện và phải mất tiền án phí có phù hợp không khi mà Tòa án thụ lý việc kiện không đúng?

Theo quy định tại Điều 167 BLTTDS thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự gửi trực tiếp tại Tòa án hoặc thông qua đường bưu điện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải có một trong các quyết định : Thụ lý nếu thuộc thẩm quyền và trả lại đơn nếu không thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Khi xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án thông báo cho đương sự nộp tạm ứng án phí nếu họ hoặc quan hệ pháp luật được khởi kiện không phải là đối tượng được miễn hoặc không phải nộp tạm ứng án phí. Sau khi thụ lý vụ án, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

Mặc dù theo Điều 164 và 165 BLTTDS thì người khởi kiện phải nêu rõ trong đơn khởi kiện những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và phải gửi kèm theo đơn khởi ki��n các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp, nhưng trong thực tế giải quyết không phải mọi trường hợp đều đúng như quy định của pháp luật. Người khởi kiện có thể gửi tài liệu không đầy đủ, thậm chí còn có thể là tài liệu, chứng cứ giả mạo. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án phải thu thập chứng cứ không chỉ của nguyên đơn mà còn của bị đơn và những người tham gia tố tụng khác. Quá trình đó có thể xác định được đối tượng tranh chấp không có (hoặc không còn ) và bị đơn không phải là người quản lý. Khi gặp những trường hợp này, Tòa án cần giải thích cho đương sự rõ để họ có thể rút đơn khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ. Trường hợp họ không rút đơn thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử, bác đơn của nguyên đơn. Việc Tòa án xử bác đơn khởi kiện trong trường hợp này là do đương sự không đưa ra được những chứng cứ, không chứng minh được tài sản có tranh chấp hoặc người quản lý tài sản, Tòa án xử bác đơn, đương sự phải chịu hậu quả này. Trong trường hợp nêu trên, Tòa án thụ lý vụ án không sai quy định của pháp luật, người khởi kiện phải chịu án phí là phù hợp.

23/ Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện thì Thẩm phán giải quyết như thế nào? Căn cứ vào điều luật nào của Bộ luật tố tụng dân sự?

Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hay yêu cầu khởi kiện của đương sự được quy định tại Điều 169 BLTTDS. Theo quy định này thì việc sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của đương sự chỉ có thể được chấp nhận trước khi Tòa án thụ lý và Tòa án có quyền yêu cầu người khởi kiện phải bổ sung đủ các nội dung còn thiếu so với yêu cầu của khoản 2 Điều 164 BLTTDS (nội dung đơn khởi kiện) theo đúng thời hạn do Tòa án ấn định nhưng không quá 30 ngày.

Bộ luật tố tụng dân sự cũng không có quy định việc thay đổi yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và TANDTC cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên khi gặp trường hợp đương sự xin thay đổi yêu cầu khởi kiện ở giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán yêu cầu đương sự làm đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện hoặc lập biên bản về việc thay đổi yêu cầu khởi kiện. Thẩm phán có thể chấp nhận yêu cầu thay đổi nếu như việc thay đổi đó không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. Trường hợp thay đổi yêu cầu mà vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu thì được coi như đương sự không có quyền khởi kiện (hay rút đơn khởi kiện về quan hệ pháp luật khi khởi kiện) Thẩm phán quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự.

24/ Trong vụ án dân sự, đương sự xuất trình giấy ủy quyền, trong đó nội dung bao gồm ủy quyền về các giao dịch khác và ủy quyền bán tài sản. Khi thực hiện ủy quyền, đương sự chỉ thực hiện ủy quyền bán tài sản và cho rằng văn bản ủy quyền này là giấy ủy quyền bán tài sản. Cần đánh giá thế nào về việc thực hiện ủy quyền của đương sự?

Điều 73 BLTTDS quy định về chế định người đại diện. Theo đó, người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Khoản 3 Điều 73 BLTTDS quy định "Người đại diện theo ủy quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự…”

Khoản 2 Điều 74 BLTTDS quy định "Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền”.

Như vậy, nếu trong văn bản ủy quyền không chỉ ủy quyền bán tài sản mà còn ủy quyền cả những giao dịch dân sự khác thì người được ủy quyền phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự đối với các giao dịch đó. Trường hợp đương sự chỉ thực hiện một trong các nội dung ủy quyền thì Tòa án không chấp nhận việc ủy quyền đó.

25/ Tòa án phải có thông báo cho Viện kiểm sát biết về việc mở phiên tòa, phiên họp mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì Viện kiểm sát phải tham gia không? Thủ tục thông báo thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự thì:

- Khoản 2: "Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần".

- Khoản 3: "Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm"

Như vậy, đối với các phiên họp, phiên tòa mà Viện kiểm sát phải tham gia thì Tòa án phải thông báo cho Viện kiểm sát biết để cử Kiểm sát viên tham gia. Bộ luật tố tụng dân sự và các hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể về vấn đề "Thông báo" này. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử thì quyết định này phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa và phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi ra quyết định;

Theo quy định tại khoản 1 Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự thì "Tòa án phải mở phiên họp công khai để giải quyết việc dân sự"

Sau khi ra quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, Tòa án phải gửi ngay quyết định này và hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. Viện kiểm sát phải nghiên cứu trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ; hết thời hạn này, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

Theo Điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu vụ án được xét xử tại phiên tòa phúc thẩm.

Mặc dù trong Bộ luật tố tụng dân sự không quy định rõ về quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm gồm những nội dung gì như đã quy định tại quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm (Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự) nhưng trong thực tiễn thì các Tòa án cấp phúc thẩm khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa, phiên họp và cũng phải gửi cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm.

Theo đó, Viện kiểm sát biết rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa, phiên họp để tham gia và các quyết định đưa vụ án, vụ việc ra xét xử, giải quyết của Tòa án cũng chính là các thông báo của Tòa án cho Viện kiểm sát, vì thế Tòa án không phải gửi thông báo về việc mở phiên tòa, phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Đối với các phien tòa giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tổ chức phiên tòa thông qua lịch xét xử các vụ án này của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

26/ Trường hợp tài liệu gốc bị mất, đương sự chỉ xuất trình được tài liệu phô tô công chứng, các nhân chứng là cán bộ địa phương xác định có tài liệu gốc tại thời điểm họ xác nhận và lý do phải phô tô bản gốc do thủ tục hành chính quy định, cơ quan công chứng cung cấp thủ tục công chứng đúng. Trường hợp này tài liệu phô tô công chứng có được coi như bản gốc không?

Tại tiểu mục 2.1 điểm 2 Mục II của Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn:

"2.1. Các tài liệu đọc được nội dung phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Bản chính có thể là bản gốc hoặc bản được dùng làm cơ sở lập ra các bản sao.”

Như vậy, mặc dù đương sự không xuất trình được bản gốc, bản chính nhưng xuất trình được tài liệu phô tô công chứng tức là bản sao từ bản gốc, bản chính có công chứng thì tài liệu này là hợp pháp, có giá trị là chứng cứ. Nếu tài liệu đó là tài liệu phô tô từ tài liệu đã được công chứng tức là bản gốc, bản chính đã phô tô, có dấu công chứng được phô tô lại thì không có giá trị pháp lý hay đó không phải là chứng cứ.

27/ Tranh chấp về ngoại hối.

Nhà nước quản lý ngoại hối nên các giao dịch dân sự, kinh tế bằng ngoại hối đều không được nhà nước thừa nhận, trừ trường hợp các giao dịch đó được phép của nhà nước. Chẳng hạn như cho phép một doanh nghiệp, cơ quan nào đó được thanh toán với đối tác nước ngoài bằng ngoại hối.

Do đó, các giao dịch dân sự mà đối tượng tranh chấp là ngoại hối đều là giao dịch vô hiệu. Tòa án chỉ thụ lý và giải quyết các tranh chấp này nếu giao dịch đó được pháp luật quy định thanh toán bằng tiền Việt Nam. Điều này có nghĩa là giao dịch dân sự đó, hợp đồng đó là hợp pháp.

28/ Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện việc Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận đơn kháng cáo và cho người kháng cáo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, nhưng người này lại không có quyền kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm phải giải quyết thế nào?

Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 04/8/006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba "Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm" của Bộ luật tố tụng dân sự chưa có hướng dẫn cụ thể về trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm nhầm lẫn về chủ thể kháng cáo nên cho người không có quyền kháng cáo được nộp tạm ứng án phí phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm. Có thể đây là một nhầm lẫn hy hữu vì khi chấp nhận kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm còn phải làm nhiều thủ tục khác như thông báo việc kháng cáo, cấp giấy chứng nhận đã nhận kháng cáo, vào sổ theo dõi kháng cáo … trước khi chuyển hồ sơ kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm.

Đối với trường hợp hy hữu này, theo chúng tôi Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết tương tự như việc xem xét đơn kháng cáo quá hạn. Nếu người kháng cáo không phải chủ thể kháng cáo thì ra quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo, trả lại đơn và trả lại cho người không có quyền kháng cáo dự phí án phí phúc thẩm mà họ đã được Tòa án cấp sơ thẩm cho nộp.

29/ Trường hợp vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm hủy và giao hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại. Khi thụ lý lại hồ sơ thì bị đơn không có mặt tại nơi cư trú. Tòa án giải quyết thế nào?

- Tòa án cấp sơ thẩm phải ra thông báo về việc thụ lý vụ án, thông báo này gửi cho bị đơn, viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng khác. Nếu bị đơn không có mặt ở địa phương (nơi cư trú) và không nhận được thông báo về việc Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn và người tham gia tố tụng. Nếu nguyên đơn không cung cấp được thì Tòa án đình chỉ, trả lại đơn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 168 BLTTDS vì chưa đủ điều kiện khởi kiện?

- Tòa án không phải yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ sau này của bị đơn vì bị đơn đã tự ý thay đổi địa chỉ trong khi Tòa án đang giải quyết vụ án và không cung cấp địa chỉ mới thì coi như cố tình dấu địa chỉ, Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung ?

Khi gặp trường hợp nêu trên, Tòa án cần phân biệt trường hợp nguyên đơn không cung cấp đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với trường hợp đương sự (bị đơn, người liên quan…) cố tình dấu địa chỉ nhằm trốn tránh nghĩa vụ của mình.

+ Nguyên đơn không cung cấp đầy đủ, cụ thể địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là trường hợp khi khởi kiện họ không cung cấp được đầy đủ, cụ thể địa chỉ, nơi cư trú hay nơi ở của những người bị khởi kiện (bị đơn) hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

+ Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình dấu địa chỉ là trường hợp tại thời điểm khởi kiện, nguyên đơn đã cung cấp đầy đủ, cụ thể, chính xác địa chỉ, nơi ở, nơi cư trú của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tòa án đã thông báo cho họ việc thụ lý vụ kiện, đã tiến hành triệu tập họ đến làm việc. Sau đó bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi chỗ ở nhưng không thông báo địa chỉ mới cho Tòa án hoặc nguyên đơn.

Như vậy, khi vụ án bị hủy, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án mà bị đơn không có mặt tại nơi cư trú thì đó không phải là việc nguyên đơn không cung cấp được đầy đủ, cụ thể địa chỉ của bị đơn mà đó là việc bị đơn đã thay đổi nơi ở mà không thông báo cho Tòa án hoặc nguyên đơn biết về địa chỉ mới của họ. Trường hợp này được coi như bị đơn đã cố tình dấu địa chỉ và Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

30/ Trong một vụ án chia thừa kế, có một đồng thừa kế ở nước ngoài. Tòa án đã thực hiện việc ủy thác tư pháp nhiều lần nhưng không có kết quả trả lời. Thời hạn giải quyết vụ án đã quá, thậm chí vụ án bị kéo dài. Tòa án có thể đưa vụ án ra xét xử và tạm giao kỷ phần thừa kế của người đang ở nước ngoài cho người đang quản lý di sản thừa kế quản lý hay vẫn phải chờ kết quả ủy thác tư pháp ?

Điểm 4 Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về ủy thác tư pháp trong trường hợp việc thu thập chứng cứ phải tiến hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tòa án đã thực hiện việc ủy thác tư pháp thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan tiến hành tố tụng dân sự của nước ngoài có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc cùng Việt Nam gia nhập điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này (cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài là Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán; cơ quan tiến hành tố tụng dân sự ở nước ngoài là Tòa án nước đó). Tuy nhiên, đã nhiều lần ủy thác tư pháp nhưng Tòa án không nhận được kết quả. Đây là vấn đề thường gặp ở các Tòa án, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân làm cho vụ án bị kéo dài, quá thời hạn giải quyết.

Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về ủy thác cả trong nước và ngoài nước. Trong khoản 3 Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự quy định trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác tư pháp, Tòa án nhận ủy thác phải thực hiện việc ủy thác và thông báo cho Tòa án ra quyết định ủy thác; trường hợp không thực hiện được việc ủy thác cũng phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không thực hiện được cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác biết.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự không có quy định này nên việc ủy thác của Tòa án thường bị “rơi vào im lặng”. Cũng theo quy định của Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự thì không có quy định nếu không thực hiện được ủy thác tư pháp thì Tòa án đã ra quyết định uỷ thác phải giải quyết vụ án thế nào. Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này và đây thực sự là một vướng mắc. Trong thực tiễn xét xử, khi gặp những trường hợp này, Tòa án không được đưa vụ án ra xét xử và tạm giao kỷ phần của người ở nước ngoài cho người đang quản lý tài sản (di sản thừa kế) mà vẫn phải chờ kết quả ủy thác. Một số Tòa án vận dụng việc nhờ người thân của đương sự, nhờ Đại sứ quán, Lãnh sự quán hay các kênh thông tin khác để có thể thu thập chứng cứ đối với người ở nước ngoài để có căn cứ giải quyết vụ án. Nếu hết thời hạn giải quyết mà chưa có kết quả ủy thác thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ theo điểm 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự.

31/ Tại khoản 4 Điều 319 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “kèm theo đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có chứng minh người đó nghiện ma túy hoặc nghiệm các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình”. Quy định của điều luật này đã đầy đủ chưa ?

Trong đời sống xã hội không chỉ có người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác mới dẫn đến phá tán tài sản của gia đình mà còn có những trường hợp khác làm cho người đó hạn chế năng lực hành vi dân sự, chẳng hạn như người có nhược điểm về thể chất, tâm thần (thần kinh, đần độn, câm, điếc…). Do vậy, khi người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu Tòa án tuyên bố một người có các nhược điểm nêu trên thì họ phải chứng minh được sự hạn chế năng lực hành vi dân sự của người đó. Tài liệu này có thể là bệnh án, kết luận giám định… Nếu đương sự yêu cầu, Tòa án có thể trưng cầu giám định.

Theo khoản 2 Điều 231 Bộ luật tố tụng dân sự thì khi Tòa án ra quyết định tuyên bố một người hạn chế năng lực hành vi dân sự thì trong quyết định này, Tòa án phải quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

32/ Đối với các vụ án đòi bồi thường thiệt hại do xây dựng công trình liền kề làm lún, nứt nhà, nguyên đơn có đơn đề nghị giám định nhưng không nộp lệ phí giám định thì giải quyết như thế nào? Tòa án có ra quyết định tạm đình chỉ hoặc trả lại đơn vì chưa đủ điều kiện khởi kiện không?

Trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân làm lún, nứt nhà liền kề do xây dựng công trình là một trong những chứng cứ quan trọng mà Tòa án căn cứ vào đó để xác định lỗi, xác định việc bồi thường thiệt hại. Nghĩa vụ chứng minh này thuộc về nguyên đơn. Nguyên đơn yêu cầu giám định nhưng không nộp lệ phí là vi phạm Điều 138 Bộ luật tố tụng dân sự, đồng thời việc giám định không thực hiện được, cũng có nghĩa là nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ thì họ phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ.

Hậu quả này không phải bằng quyết định tạm đình chỉ vì không có căn cứ nào của Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự cho phép được tạm đình chỉ. Nếu Tòa án căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự để trả lại đơn vì chưa đủ điều kiện khởi kiện cũng không chính xác vì: chưa đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp các đương sự có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về các điều kiện cần và đủ để khởi kiện nhưng đương sự đã không thực hiện đầy đủ các điều kiện đó.

Ví dụ: Trong vụ việc tranh chấp đất đai, nếu chưa được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hòa giải thì chưa đủ điều kiện để khởi kiện tại Tòa án (Điều 136 (Luật đất đai năm 1993).

Do vậy, theo chúng tôi khi đương sự (nguyên đơn) không xuất trình được chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình thì Tòa án xử bác yêu cầu và đó là hậu quả mà nguyên đơn phải gánh chịu. Việc bác đơn của Tòa án trong trường hợp này có thể được giải quyết lại khi nguyên đơn đưa ra được chứng cứ để chứng minh yêu cầu bồi thường thiệt hại (điểm c khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự).

33/ Trong di chúc của người để lại di sản thừa kế ghi “Giao tài sản nhà đất cho người con nào có công đối với bố mẹ nhất được quản lý, sử dụng làm nơi thờ cúng”. Hiểu như thế nào về thuật ngữ “quản lý”; có phải đó là việc cho tài sản (di sản) có điều kiện không ?

Trước hết quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản đó. Quản lý hay sử dụng chỉ là một trong các yếu tố để xác định quyền sở hữu mà thôi. Người được giao quản lý di sản không có quyền định đoạt di sản (hay tài sản) được giao. Đọc kỹ di chúc nêu trên thì ý chí của người để lại di sản thừa kế không cho đứt người con nào có công với bố mẹ nhất mà chỉ giao quyền quản lý, sử dụng làm nơi thờ cúng. Mặt khác, nơi thờ cúng (nhà thờ của họ, dòng họ, gia đình…) là nơi mà mọi người đều có quyền sử dụng khi có việc thờ cúng và được coi như của chung. Việc bán nhà thờ (định đoạt tài sản) phải được sự đồng ý của những người có quyền lợi đối với nhà thờ đó.

Chính vì vậy việc giao quản lý, sử dụng nhà đất để làm nơi thờ cúng không đồng nghĩa với việc được hưởng di sản thừa kế.

34/ Trường hợp nguyên đơn yêu cầu định giá tài sản đang tranh chấp, Tòa án đã có quyết định thành lập Hội đồng định giá và đã triệu tập nguyên đơn, bị đơn hợp lệ nhưng bị đơn không đến. Hội đồng định giá có thực hiện định giá tài sản được không ? Việc định giá tài sản khi vắng mặt bị đơn có hợp lệ không ?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự thì “…Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá”.

Khoản 4 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Việc định giá phải được ghi thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, của đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên vào biên bản”.

Theo các quy định nêu trên thì các đương sự có quyền tham dự việc định giá của Hội đồng định giá, chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc phải tham dự cho nên Luật chỉ quy định đương sự được quyền phát biểu ý kiến, ý kiến đó phải được ghi trong biên bản nếu họ (tức là đương sự) tham dự mà không quy định nghĩa vụ. Khi Tòa án đã thông báo (chứ không phải là triệu tập) cho các đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành định giá mà các đương sự (bị đơn) không tham dự tức là từ bỏ quyền của mình. Hội đồng định giá tiến hành định giá vắng mặt đương sự (bị đơn) là hoàn toàn hợp lệ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, biên bản định giá cũng cần thể hiện việc bị đơn vắng mặt không có lý do chính đáng mặc dù Tòa án đã thông báo hợp lệ. Tòa án thông báo kết quả định giá cho đương sự vắng mặt biết.

35/ Trong trường hợp vụ án có nhiều tài sản đang tranh chấp nhưng tài sản đó lại nằm ở nhiều địa bàn khác huyện, khác tỉnh. Nếu phải định giá tài sản thì Hội đồng định giá ở huyện nơi Tòa án thụ lý vụ án có thể thực hiện việc định giá tài sản ở tất cả các huyện hoặc tỉnh khác được không hay phải thành lập nhiều Hội đồng định giá để thực hiện việc định giá ở từng nơi riêng biệt ?

Về vấn đề này, Luật không có quy định nào cấm, do đó Hội đồng định giá có quyền được định giá ở trong vùng lãnh thổ hay ngoài vùng lãnh thổ của địa phương nơi Tòa án thụ lý vụ án. Trong thực tiễn xét xử, giải quyết các vụ án dân sự cũng rất ít có trường hợp Hội đồng định giá của huyện A lại sang huyện B, C, D… hay các tỉnh khác để tiến hành định giá tài sản vì sẽ gặp nhiều bất lợi trong hoạt động và tốn kém về kinh phí đi lại. Thông thường khi có tài sản đang tranh chấp nhưng nằm ở các địa phương khác nhau mà cần phải định giá các tài sản đó, thì Tòa án đã thụ lý vụ án thực hiện việc ủy thác thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự.

36/ Trong trường hợp nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện (đòi nợ), Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án đối với phần mà nguyên đơn đã rút yêu cầu. Tòa án có quyết định sung công quỹ đối với số tiền tạm ứng án phí tương ứng với phần rút yêu cầu khởi kiện không ?

Khoản 2 Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “Trong trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước”.

Trường hợp đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án về phần mà đương sự rút. Nếu phần yêu cầu rút này không liên quan đến việc giải quyết các quan hệ pháp luật khác trong vụ án đó, Tòa án cũng phải quyết định sung công quỹ tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp.

37/ Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự quy đinh “Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự bị tạm đình chỉ khi lý do tạm đình chỉ không còn”. Tòa án có phải ra quyết định hay thông báo việc tiếp tục giải quyết vụ án không ? Văn bản này có phải gửi cho các đương sự và Viện kiểm sát không ?

Theo quy định tài Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự thì “Tòa án không xóa tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó”.

Như vậy, khi lý do tạm đình chỉ không còn thì Tòa án không phải thụ lý lại vụ án mà chỉ tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Vì vậy về nguyên tắc Tòa án không phải ra quyết định hay thông báo về việc tiếp tục giải quyết vụ án. Tuy nhiên, Tòa án có thể ra thông báo để đương sự và Viện kiểm sát biết về việc Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.

38/ Tại điểm b, tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đông Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn “Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo ủy quyền… thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản”. Vậy trường hợp di sản do con dâu của người chết đang quản lý, sử dụng có coi là “người khác" như hướng dẫn nêu trên không ?

Trong quy định về hàng thừa kế, người thừa kế thì con dâu, con rể không phải là người thừa kế di sản của bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng. Khi người con dâu của người chết quản lý, sử dụng di sản thừa kế tức là các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng di sản thừa kế và họ có quyền kiện đòi di sản thừa kế do người con dâu của người chết đang quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, người con dâu hoặc con rể chiếm giữ tài sản không bất hợp pháp vì ngoài việc quản lý, sử dụng khối di sản mà bố mẹ vợ hoặc chồng để lại thì họ còn có công duy trì, tôn tạo tài sản và theo pháp luật thì họ còn được hưởng thừa kế của người chồng hoặc người vợ để lại trong khối di sản của bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng.

39/ Trong hợp đồng bảo lãnh để đảm bảo thực hiện một giao dịch dân sự, tài sản đem ra để bảo lãnh là quyền sử dụng đất mà trên đất đó có nhà và các tài sản khác. Khi có tranh chấp thì xử lý hợp đồng bảo lãnh như thế nào?

Bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó cá nhân hay tổ chức (gọi chung là người bảo lãnh) cam kết với bên có quyền là sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ nếu đến hạn thực hiện mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.

Khi giao dịch dân sự có tranh chấp thì người thứ ba (tức là người đứng ra bảo lãnh) phải thực hiện nghĩa vụ của người được bảo lãnh nếu như người được bảo lãnh không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình. Tài sản là nhà đất và các tài sản khác đem ra bảo lãnh được đối trừ vào nghĩa vụ của bên được bảo lãnh.

Ví dụ: A dùng nhà đất và các tài sản trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình để bảo lãnh cho B vay tiền của ngân hàng. Đến thời hạn trả nợ, B không có khả năng thanh toán tiền gốc và tiền lãi, ngân hàng sẽ buộc A phải trả nợ thay cho B. Tức là ngân hàng có quyền được quản lý tài sản đã được A thế chấp, bảo lãnh cho B và có quyền phát mại để thanh toán khoản nợ của B với ngân hàng.

40/ Các bên được xã cấp đất ở có diện tích như nhau, nhưng khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại có sai lệch về diện tích của hai thửa đất dẫn đến tranh chấp về diện tích đất sai lệch đó. Việc giải quyết tranh chấp này thuộc Ủy ban nhân dân hay Tòa án ?

- Nếu trong quá trình Ủy ban nhân dân xã, huyện xem xét cấp đất mà có sai lệch về diện tích đất cấp cho các đương sự thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân.

- Nếu đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi mới phát hiện ra có sai lệch về diện tích đất được cấp và có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

41/ Bà B mua đất của ông A, khi mua đất có một lối đi chung với ông A (ông A còn có một lối đi khác). Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà B thì Ủy ban nhân dân không thể hiện trong đó có lối đi chung với ông A. Mặc dù trong bản đồ địa chính có thể hiện ngõ đi chung từ đất nhà bà B ra đường của thôn. Việc tranh chấp ngõ đi chung có thuộc thẩm quyền của Tòa án không ?

Tranh chấp ngõ đi chung giữa bà B và ông A xuất phát từ hợp đồng mua bán (chuyển nhượng) đất ở giữa bà B và ông A. Khi bán đất cho bà B, ông A và bà B đều đi chung lối đi này và lối đi (hay ngõ đi chung) được thể hiện trên bản đồ địa chính của Ủy ban nhân dân xã. Tranh chấp ngõ đi chung thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Khi giải quyết vụ án cụ thể này, Tòa án cần xem xét đến hợp đồng chuyển nhượng đất ở giữa ông A và bà B để có thêm căn cứ. Tuy nhiên trong mọi trường hợp Tòa án phải đảm bảo cho bà B được có lối đi.

42/ Ông A được cấp có thẩm quyền cấp một diện tích đất ở. Ủy ban nhân dân xã có văn bản thỏa thuận đổi cho ông A một diện tích đất khác để sử dụng mảnh đất của ông A cho việc công ích. Không bên nào phải thanh toán chênh lệch cho nhau. Đến thời hạn thỏa thuận, Ủy ban nhân dân xã không giao đất cho ông A. Diện tích đất của ông A không được sử dụng vào việc công ích mà Ủy ban nhân dân xã giao cho người khác sử dụng. Vậy A có quyền khởi kiện không và xác định tư cách tham gia tố tụng của Ủy ban nhân dân xã và người đang quản lý sử dụng mảnh đất của ông A như thế nào ?

Trước hết, đây là một tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và ông A là người đang bị xâm hại, do đó ông A có quyền khởi kiện ra Tòa án. Thỏa thuận giữa ông A và Ủy ban nhân dân xã không trái pháp luật nếu như mảnh đất đó thuộc quyền quản lý, sử dụng của Ủy ban nhân dân xã. Ông A thỏa thuận đổi đất cho Ủy ban nhân dân xã vì lợi ích công, nhưng Ủy ban nhân dân xã chẳng những không thực hiện thỏa thuận giao đất đúng hạn cho ông A mà còn giao mảnh đất của ông A cho người khác sử dụng chứ không phải là vì lợi ích công cộng của xã. Do đó ông A khởi kiện Ủy ban nhân dân xã để đề nghị hủy bỏ thỏa thuận thì Ủy ban nhân dân xã là bị đơn. Người đang chiếm giữ mảnh đất của ông A không có quan hệ trực tiếp với ông A, thậm chí có thể họ không biết ông A, họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

43/ Trong vụ án dân sự yêu cầu chia thừa kế, trong đó có phần di sản đã hết thời hiệu, có phần di sản còn thời hiệu. Phần tài sản (di sản) đã hết thời hiệu đang do bị đơn quản lý. Khi xét xử, Tòa án có tạm giao phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện thừa kế cho bị đơn không ?

Phần di sản thừa kế còn thời hiệu thừa kế thì Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế (chia theo di chúc hoặc theo luật); Phần di sản thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện là tài sản chung, nếu có tranh chấp thì giải quyết bằng một vụ kiện khác. Bị đơn đang quản lý tài sản này vẫn tiếp tục quản lý, Tòa án không có quyền được tạm giao cho họ quản lý khối tài sản này.

44/ Một người cho nhiều người vay tài sản, đến hạn trả những người vay không trả nợ. Người cho vay có thể khởi kiện những người vay trong cùng một vụ án không? Có thể khởi kiện từng người vay được không?

Khi vụ án có cùng một quan hệ pháp luật (ở đây là quan hệ đòi nợ) thì nguyên đơn có quyền khởi kiện những người vay nợ trong cùng một vụ án tức là nguyên đơn có quyền khởi kiện nhiều bị đơn hay trong một vụ án dân sự có thể có một nguyên đơn nhưng có nhiều bị đơn. Người cho vay cũng có quyền khởi kiện riêng đối với từng người vay không trả.

Trong thực tiễn giải quyết vụ án dân sự cũng có thể có trường hợp nhiều nguyên đơn kiện nhiều bị đơn trong cùng một quan hệ pháp luật có tranh chấp.

Ví dụ: A, B, C mua chung một chiếc xe ôtô và cho D, Đ thuê chiếc xe này. D và Đ làm cháy hỏng chiếc xe ôtô của A, B, C. A, B, C có quyền cùng làm đơn khởi kiện D và Đ yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp A, B, C không ủy quyền cho ai; D và Đ cũng không ủy quyền thì A, B, C là các nguyên đơn và D và Đ là các bị đơn. Như vậy sẽ dẫn tới khái niệm đồng nguyên đơn và đồng bị đơn. Tuy pháp luật tố tụng không có khái niệm này nhưng thực tiễn đã có và theo chúng tôi cũng cần phải bổ sung trong luật tố tụng dân sự hoặc có hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này.

45/ Tòa án đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nhưng không đến theo triệu tập của Tòa án. Tòa án có quyền ra quyết định đình chỉ không và căn cứ vào quy định nào của BLTTDS?

Khoản 2 Điều 61 BLTTDS quy định "Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn theo quy định tại Điều 59 Bộ luật này”

Theo Điều 59 BLTTDS thì "Nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện"Do đó người có quyền, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nhưng Tòa án đã triệu tập hợp lệ hai lần mà không đến Tòa án (vắng mặt) thì cũng bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập đó và Tòa án ra quyết định đình chỉ theo điểm 2 khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự.

46/ Tòa án cấp sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử nhưng có lý do chính đáng để hoãn phiên tòa, Tòa án đã ra quyết định hoãn phiên tòa nhưng chưa ấn định được ngày mở lại phiên tòa. Khi mở lại phiên tòa, Tòa án có phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử không?

Tại tiểu mục 3.3 Điều 3 Phần III của Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn:

“3.3. Trường hợp đã ấn định được ngày mở lại phiên tòa, thì trong quyết định hoãn phiên tòa phải ghi thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa. Nếu chưa ấn định được ngày mở lại phiên tòa, thì trong quyết định ghi về thời gian địa điểm mở lại phiên tòa sẽ được Tòa án thông báo sau…”

Như vậy, Tòa án đã ra quyết định hoãn phiên tòa nhưng chưa ấn định được thời gian mở lại phiên tòa thì Tòa án không phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử mà chỉ ra thông báo về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa. Thông báo này được gửi cho Viện kiểm sát và các đương sự tham gia tố tụng tại phiên tòa. Thông báo này của Tòa án cũng được coi như là giấy triệu tập mới đối với những người tham gia tố tụng. Tòa án chỉ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu như có sự thay đổi các thành viên của Hội đồng xét xử và quyết định này cũng phải gửi cho Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng.

47/ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có văn bản (bằng miệng), có người làm chứng. Tòa án có thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết không?

Theo quy định tại Điều 707 Bộ luật dân sự (BLDS) thì “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải được làm thủ tục và đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai”.

Một số Điều luật khác trong Chương III Bộ luật dân sự cũng có những quy định chặt chẽ về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ví dụ Điều 705,706,708… Khi hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng dất có tranh chấp thì đương sự khởi kiện tại Tòa án. Nếu người đi kiện không xuất trình (không nộp) cho Tòa án Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì việc chuyển nhượng này không có văn bản mà bằng miệng, thì Tòa án chưa thụ lý vụ kiện. Tòa án có thể yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu trong một thời hạn do Tòa án ấn định. Nếu hết thời hạn nêu trên mà đương sự không bổ sung được tài liệu thì căn cứ khoản 2 Điều 169 BLTTDS Tòa án trả lại đơn và các tài liệu kèm theo đơn. Tòa án không được thụ lý vụ kiện.

48/ Việc giải quyết hụi họ, cho vay nặng lãi giải quyết theo thủ tục tố tụng nào? Dân sự hay hình sự?

- Về tranh chấp hụi họ: Có thể coi hình thức chơi hụi, họ trong nhân dân là hình thức tín dụng tự phát. Đây không phải là hình thức cờ bạc, cũng không phải là lạm dụng tín nhiệm hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản chất của hụi họ là việc người dân có tiền dư thừa, chưa sử dụng đến nên cùng nhau góp lại cho người có nhu cầu sử dụng trước được sử dụng và lần lượt những người tham gia chơi họ cũng được nhận phần tiền mà mình đã bỏ ra chơi hàng tháng (tiền đóng họ). Tuy nhiên, trong thực tế, không ít trường hợp hụi họ bị biến tướng do những người chơi cùng bát họ (dây họ, hụi) không thực hiện đúng cam kết nên dẫn tới vỡ hụi, họ. Các vụ kiện về hụi họ thường rất phức tạp vì rất đông đương sự và tranh chấp gay gắt. Đầu những năm 1990 các Tòa án đã giải quyết việc này nhưng đến nay chưa có hướng dẫn về việc giải quyết và tạm thời các Tòa án chưa thụ lý, giải quyết tranh chấp về hụi họ theo tố tụng dân sự.

- Về việc cho vay nặng lãi: Nếu việc cho vay nặng lãi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi đó bị xử lý theo Điều 163 Bộ luật hình sự. Trường hợp hành vi cho vay nặng lãi không cấu thành tội phạm hình sự thì người cho vay nặng lãi có thể bị xử lý hành chính.

49/ Trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ, khi tiếp tục đưa vụ án ra giải quyết vì lý do tạm đình chỉ không còn thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ khi thụ lý hay từ khi Tòa án tiếp tục giải quyết?

Theo quy định tại Điều 190 BLTTDS thì Tòa án không xóa tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày tháng năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó. Điều 191 BLTTDS quy định"Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự bị tạm đình chỉ khi lý do tạm đình chỉ không còn”.

Như vậy, có thể lý do tạm đình chỉ sẽ kéo dài trong nhiều năm tháng. Nếu khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự đã bị tạm đình chỉ mà thời hạn chuẩn bị xét xử tính từ ngày thụ lý thì các vụ án này không bao giờ được giải quyết trong thời hạn luật quy định. Do đó, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án dân sự đã tạm đình chỉ mà Tòa án tiếp tục giải quyết thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ ngày lý do tạm đình chỉ không còn.

50/ Hội đồng định giá trong trường hợp tài sản tranh chấp là cây cảnh, đồ cổ… thì thành phần như thế nào?

Khi có đủ điều kiện để Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp thì Tòa án phải xem xét tài sản cần định giá là loại nào, có liên quan đến cơ quan chuyên môn nào, Hội đồng định giá cần có bao nhiêu người và trong những trường hợp cụ thể thì cần có đại diện của cơ quan nào làm Chủ tịch Hội đồng định giá…Sau khi nhận được công văn đề nghị cử người tham gia vào Hội đồng định giá tài sản, các cơ quan chuyên môn có công văn trả lời, cử người thì Thẩm phán phải kiểm tra xem những người được cử làm thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng định giá có đáp ứng được yêu cầu của Tòa án hay không, nếu họ là người thân thích với đương sự hoặc không đáp ứng được yêu cầu thì Tòa án có công văn đề nghị cơ quan đó cử người khác.

Trường hợp tài sản đang tranh chấp là cây cảnh, đồ cổ…là những tài sản không có khung giá, thậm chí là tài sản vô giá. Vì vậy việc định giá gặp nhiều khó khăn. Để việc định giá những tài sản có tính đặc thù này, Tòa án cần đề nghị các cơ quan chuyên môn như Hội sinh vật cảnh, cơ quan tài chính tham gia thành viên Hội đồng định giá khi định giá cây cảnh; cơ quan bảo tàng hoặc khảo cổ tham gia Hội đồng định giá khi định giá đồ cổ. Căn cứ vào kết quả định giá của Hội đồng định giá, Tòa án giải quyết vụ án.

51/ Tranh chấp quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương chỉ có sổ mục kê, không có sổ địa chính có thuộc thẩm quyền của Tòa án không?

Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi các đương sự xuất trình được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ). Trường hợp chưa có bìa đỏ nhưng có xác nhận của chính quyền địa phương về việc đã và đang xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án cũng thụ lý giải quyết. Trường hợp đất đai đang tranh chấp chỉ có sổ mục, không có sổ địa chính tức là chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không thuộc thẩm quyền giaỉ quyết của Tòa án.

52/ Diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với thực tế khi thẩm định thì giải quyết thế nào?

Đây là việc thường xảy ra trong các vụ án tranh chấp nhà đất. Diện tích đất đai trên thực tế có thể thừa, thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc thừa, thiếu này có thể do việc đo đạc khi cấp giấy chứng nhận không chính xác, cũng có thể do có sự lấn chiếm đất công hoặc đất của người có đất liền kề.Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xác định lại diện tích hoặc căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ liền kề để giải quyết tranh chấp nếu có sự lấn chiếm làm cho diện tích thực sử dụng nhiều hơn diện tích trong giấy chứng nhận hoặc do bị lấn chiếm mà bị thiếu hụt diện tích so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Kết luận

Những vấn đề vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự (theo nghĩa rộng) mà chúng tôi nêu trên là những vấn đề được tập hợp từ một số lớp tập huấn nghiệp vụ của Tòa án. Các ý kiến giải đáp của chúng tôi cũng chỉ có ý nghĩa tham khảo, đặc biệt là đối với những vướng mắc mà Luật quy định chưa thật rõ ràng hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng rằng tài liệu này cũng giúp các đồng nghiệp tham khảo và vận dụng tốt hơn trong việc giải quyết các vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự.

Không có nhận xét nào: