Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Một số ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi


 Sau một thời gian áp dụng, thực tiễn cho thấy BLTTDS đã bộc lộ một số hạn chế và bất cập. Những hạn chế, bất cập này của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2010 nhưng chưa toàn diện và hiệu quả vẫn rất hạn chế. Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực đã đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung toàn diện BLTTDS nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Tổ chức TAND, khắc phục các hạn chế, tăng cường tranh tụng, bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng, tạo thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quá trình tham gia tố tụng, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình. Trong thời gian không dài nhưng Ban soạn thảo BLTTDS sửa đổi đã nỗ lực rất lớn, không chỉ sửa đổi những điểm hạn chế mà đã đưa được rất nhiều nội dung mới vào Dự thảo. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy còn rất nhiều vấn đề trong Dự thảo cần phải quan tâm, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn chỉnh mới đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân, cũng như yêu cầu thực tiễn trong thời kỳ đất nước đang hàng ngày hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nội dung sửa đổi phải vừa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tại, vừa đáp ứng được yêu cầu lâu dài để BLTTDS sửa đổi lần này có “tuổi thọ” khá hơn so với các luật khác, với chính BLTTDS khi ra đời và sửa đổi lần một. Với mong muốn như vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin có một số ý kiến như sau: Một là: Tố tụng tư pháp hiện hành của chúng ta là tố tụng xét hỏi. Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đặt ra yêu cầu “đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa”. Điều đó có nghĩa là dự thảo phải kết hợp được giữa tố tụng xét hỏi với tố tụng tranh tụng. Khai thác tối đa ưu điểm của tố tụng xét hỏi và ưu điểm của tố tụng tranh tụng. Tranh tụng đặt dưới sự điều hành của Hội đồng xét xử hướng vào trọng tâm, trọng điểm tập trung vào vấn đề mà hai bên đương sự đang trình bày khác biệt nhau, hồ sơ tài liệu còn chưa đủ hoặc mâu thuẫn nhau. Đồng thời đi sâu hỏi vào các vấn đề mà qua tranh tụng của các bên vẫn chưa làm sáng tỏ được. Hỏi để gợi mở cho tranh tụng. Nếu như tố tụng hình sự tranh tụng chủ yếu diễn ra tại phiên tòa thì tố tụng dân sự phải thể hiện theo hướng tranh tụng bắt đầu diễn ra ngay từ sau khi thụ lý vụ án, mà đỉnh điểm của tranh tụng là tại phiên tòa. Do đó, khi nhận đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ của đương sự gửi đến và khi thấy đủ điều kiện thụ lý thì ngay sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải gửi cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn đã gửi cho Tòa án. Bị đơn bắt đầu thực hiện việc tranh tụng bằng việc thể hiện quan điểm của mình về yêu cầu của nguyên đơn, đưa ra các lập luận, các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho quan điểm của mình, bác bỏ hay công nhận yêu cầu của nguyên đơn và thể hiện yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có). Bị đơn phải gửi văn bản thể hiện quan điểm của mình và chứng cứ, tài liệu cho Tòa án, và cho các đương sự khác (nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Nguyên đơn và các đương sự khác đồng ý hay không đồng ý với các vấn đề, trong đó có cả vấn đề tài liệu, chứng cứ của bị đơn, phải thể hiện bằng văn bản nêu rõ sự đồng ý hay không, các quan điểm, lập luận bác bỏ vấn đề bị đơn đưa ra và gửi văn bản, tài liệu chứng cứ cho Tòa án và cho bị đơn. Khi Tòa án nhận thấy có vấn đề nào cần phải đi sâu làm rõ thì triệu tập đương sự lấy lời khai hoặc đối chất. Trong hòa giải, cần quy định theo hướng: Thẩm phán chủ trì cho hai bên trình bày, trao đổi nhưng phải giữ vai trò gợi mở, tháo gỡ bất đồng, để hai bên tìm kiếm điểm chung, hướng đến hòa giải thành. Tại phiên tòa cần thiết kế theo hướng: trình bày, tranh tụng, hỏi – tranh tụng. Đây là một thể liên hoàn thống nhất, không nên tách phần tranh luận riêng như Dự thảo. Tranh luận là một biểu hiện cụ thể của tranh tụng, khi đã kết hợp giữa tố tụng xét hỏi và tố tụng tranh tụng thì không cần phải tách tranh luận thành một “phần” riêng biệt như trước, mà ngay sau khi kết thúc phần thủ tục là bắt đầu của quá trình tranh tụng, tranh luận, quá trình hỏi, nên không còn “hai phần” riêng biệt kết thúc phần hỏi, mới đến tranh luận như tố tụng xét hỏi trước đây. Do đó, kết thúc phần thủ tục sẽ là nguyên đơn (hoặc đại diện nguyên đơn) trình bày đưa ra tài liệu, chứng cứ bảo vệ cho yêu cầu khởi kiện của mình, chứng minh nghĩa vụ của bị đơn. Bị đơn (hoặc đại diện của bị đơn trình bày, tranh luận lại, đưa ra các căn cứ để bác bỏ (hoặc chấp nhận một phần…) yêu cầu của nguyên đơn. Phía bị đơn có quyền đưa ra các câu hỏi với nguyên đơn, nguyên đơn tranh luận lại với bị đơn, đưa ra các câu hỏi với bị đơn, đưa ra tài liệu chứng cứ, bác bỏ lý lẽ, cơ sở của bị đơn. Hoặc đề xuất hỏi thêm nhân chứng, những người tham gia tố tụng khác. Hội đồng xét xử sẽ điều tiết việc tranh luận, tranh tụng. Việc trình bày, hỏi của các bên đương sự (người đại diện). Cho phép đương sự nào trình bày, tranh luận, hỏi. Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng đặt các câu hỏi để các bên làm rõ các vấn đề cụ thể hoặc gợi ra các vấn đề cần tranh luận tiếp. Dự thảo hiện nay chưa thể hiện được sự kết nối liên hoàn giữa tranh tụng và hỏi. Ngoài điều vừa được bổ sung cũng mới chỉ thể hiện được tính nguyên tắc; còn lại nhiều điều vẫn giữ lại như cũ, bổ sung sửa đổi chưa đủ nên chưa thấy rõ “chất tranh tụng kết hợp với hỏi”, mà còn đậm đặc “chất hỏi”. Trong khi đó kết hợp với xét hỏi, mà chưa quy định rõ (ai hỏi ai? thứ tự… ). Chưa làm rõ được từng chủ thể tham gia tố tụng sẽ “diễn vai” của mình (khác trước) như thế nào? Đương sự nào hỏi trước và hỏi ai cần thể hiện cụ thể. Hai là: Về tạm ngừng phiên tòa (Điều 259) đây là một quy định mới nhưng cũng chỉ ở dạng cơ bản, mới chỉ là quy định khung, rất chung chung, không có các quy định kèm theo có tính chất kiểm soát. Thời hạn chuẩn bị xét xử luật quy định có thời hạn rõ ràng nhưng việc tạm ngừng phiên tòa thì không có gì khống chế, kiểm soát về thời gian. Nếu quy định thế này, sau khi phiên tòa phải tạm ngừng sẽ có nguy cơ kéo dài không biết đến khi nào mới kết thúc. Mặt khác, phiên tòa có thể tạm ngừng ở các thời điểm khác nhau, sẽ có phiên tòa tạm ngừng ngay trước hoặc sau thời điểm đại diện Viện kiểm sát phát biểu, sau khi nghị án, nhưng chưa có quy định sau khi chấm dứt thời điểm dừng thì phiên tòa có bắt đầu lại từ đầu hay nối tiếp từ thời điểm trước đây. Theo tác giả nên quy định theo hướng tùy thuộc từng căn cứ ngừng để có quy định khác nhau. Ví dụ: việc ngừng để hai bên hòa giải trong một thời hạn nhất định, nếu không hòa giải được thì phiên tòa sẽ tiếp tục, nối tiếp với thời điểm ngừng; nhưng ngừng do phải thay người tiến hành tố tụng (thay Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân...) thì khi mở phiên tòa lại, phải bắt đầu thủ tục lại từ đầu. Ba là, về thủ tục rút gọn Việc bổ sung vào BLTTDS một phần mới về giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn là cần thiết. Theo dự thảo tại phần thứ tư BLTTDS thì vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn hiện nay mới chỉ rút ngắn về thời gian (Điều 315) chỉ còn 1 tháng 15 ngày, tính từ ngày thụ lý là phải mở phiên tòa; thành phần Hội đồng xét xử (Điều 59) không phải là 3 thành viên mà chỉ còn một Thẩm phán; hòa giải không tiến hành một phiên riêng mà sẽ tiến hành tại phiên tòa; còn lại các trình tự thủ tục khác cơ bản vẫn như một phiên tòa bình thường (Điều 317). Vẫn có thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm (theo thủ tục rút gọn) và có thể được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 318). Như vậy, trừ thời gian chuẩn bị giải quyết vụ án được rút ngắn rõ rệt, các thủ tục khác được rút ngắn rất ít. Có thể nói vụ án kết thúc nhanh hơn vì chứng cứ rõ ràng, tình tiết quá đơn giản, chứ chưa phải thủ tục đã gọn. Mặt khác, với những điều kiện để được áp dụng thủ tục rút gọn như Dự thảo sẽ có ít vụ án “lọt” vào danh sách giải quyết theo thủ tục rút gọn. Ví dụ, nếu điều kiện là “vụ án đơn giản, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ rõ ràng, đủ căn cứ để giải quyết mà Tòa án không phải thu thập tài liệu chứng cứ”. Nếu có vụ án như thế này, sau khi bị đơn nhận được tài liệu và đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn thừa nhận không có phản đối gì thì hòa giải là xong, một đến hai tiếng là kết thúc vụ án. Bảy ngày sau không ai phản đối biên bản hòa giải thành là Thẩm phán ra quyết định công nhận hòa giải thành (Điều 209), thủ tục còn được “rút gọn” hơn vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn, vì không có việc xét xử phúc thẩm. Điều kiện “không có yếu tố nước ngoài” sẽ thu hẹp hơn đối tượng được tham gia giải quyết theo thủ tục rút gọn. Ví dụ: sẽ không giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với vụ án có một hoặc hai đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập lâu dài ở Việt Nam, dù thỏa mãn tất cả các điều kiện khác của thủ tục rút gọn, mà vẫn phải giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường. Vì vậy, tác giả đề nghị: (1) điều kiện thứ nhất là vụ án tranh chấp tài sản có giá trị dưới 100 triệu (tác giả cho rằng nên tăng giá ngạch vụ tranh chấp lên nữa), mà đương sự đã thừa nhận một phần nghĩa vụ, tài liệu, chứng cứ rõ ràng, đủ căn cứ để giải quyết, Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; (2) điều kiện thứ hai: đương sự đều có nơi cư trú rõ ràng; (3) điều kiện thứ ba: không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài không phải ủy thác tư pháp. Khoản 2 cũng điều chỉnh tương tự như trên Các vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn nên bỏ thủ tục phúc thẩm mà vẫn kiểm soát sửa chữa được các sai sót của cấp sơ thẩm bằng cách khi có đơn khiếu nại sẽ xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, có như thế mới có thể coi là rút gọn. Rất nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện theo hướng này, đó là kinh nghiệm tốt nên tham khảo. Bốn là, về việc đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa. Vụ việc dân sự cốt ở đôi bên, quyền tự do, tự nguyện định đoạt của hai bên (miễn là không trái đạo đức, không vi phạm điều cấm của pháp luật) nên cần hạn chế sự can thiệp của Nhà nước; Nhà nước không nên can thiệp quá sâu để rồi tốn nhân lực, chi phí…không cần thiết. Tiền đóng thuế của nhân dân phải chi vào việc đó, nếu tiết kiệm được đem sử dụng vào việc khác cần thiết và hiệu quả hơn; Viện kiểm sát có thể thực hiện quyền kiểm sát của mình thông qua kiểm tra bản án, hồ sơ. Do đó, tác giả cho rằng nên sửa đổi theo hướng Viện kiểm sát chỉ tham gia có chọn lọc, đó là vụ tranh chấp liên quan đến tài sản Nhà nước, đương sự là người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự...(tóm lại là người yếu thế), còn lại các trường hợp khác để đương sự tự định đoạt. Năm là, về chứng cứ, chứng minh - BLTTDS hiện hành sử dụng thuật ngữ chưa nhất quán. Ví dụ: Điều 87 của Dự thảo giữ nguyên Điều 81 BLTTDS hiện hành đã định nghĩa “Chứng cứ… là những gì có thật”. Điều 88 Dự thảo (Điều 82 BLTTDS hiện hành) quy định: nguồn chứng cứ là “các vật chứng; lời khai của đương sự…”. Như vậy, chứng cứ và nguồn chứng cứ không phải là một. Nguồn chứng cứ là nơi chứa đựng chứng cứ. Một biên bản lấy lời khai có thể chứa đựng chứng cứ, nếu nội dung lời khai chứa đựng sự thật của vụ án. Có biên bản ghi lời khai của đương sự nhưng toàn bộ nội dung lời khai này đều là gian dối thì biên bản ghi lời khai đó không chứa đựng chứng cứ. Nhưng Điều 89 của Dự thảo (các khoản 3,4 Điều 83 BLTTDS hiện hành) xác định chứng cứ tại các khoản 3, 4 lại nhập nguồn chứng cứ và chứng cứ là một: “3. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc; 4. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, bằng ghi âm, đĩa ghi âm…”. Việc đồng nhất chứng cứ và nguồn chứng cứ là không khoa học, dẫn đến Điều 90 của Dự thảo (khoản 2 Điều 84 BLTTDS hiện hành) có những quy định: “phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của chứng cứ, số bản, số trang của chứng cứ…”. Nguồn chứng cứ, tài liệu, vật chứng… mới có thể có “tên gọi, đặc điểm, số bản, số trang”, chứ “chứng cứ…là những gì có thật…” thì sao gọi được tên, sao có số bản, số trang. Sự không chuẩn xác trong sử dụng thuật ngữ, khái niệm làm cho không hiếm Thẩm phán nhầm lẫn trong thực tiễn xét xử. Vì vậy cần chuẩn hóa các thuật ngữ chuyên môn trong luật. - Khoản 7 Điều 88 Dự thảo đã xác định: “Tập quán” là nguồn chứng cứ. Theo chúng tôi tập quán không phải là nguồn chứng cứ. Trong tập quán không chứa đựng chứng cứ nào cho một vụ án cụ thể, mà đó là những quy tắc xử sự được hình thành một cách tự phát, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một, một số cộng đồng dân cư. Khi pháp luật quy định được áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp tại Tòa án thì tập quán trở thành một nguồn luật, sẽ có nhiều tập quán được áp dụng. Khi tập quán trở thành một nguồn luật, nó có thể được áp dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại cho các vụ án khác nhau, có cùng tính chất và quan hệ pháp luật cùng loại. Khi sử dụng tập quán làm căn cứ cho việc ra phán quyết trong một vụ án thì tập quán trở thành một căn cứ pháp luật của phán quyết. Trong quan hệ thương mại quốc tế, từ thực tiễn đã hình thành nên tập quán thương mại quốc tế. Trong quan hệ giữa các quốc gia cũng hình thành các tập quán quốc tế. Đó là các quy tắc xử sự chung được các quốc gia thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong quan hệ giữa các quốc gia. Từ các phân tích trên có thể đi đến kết luận coi tập quán là một nguồn chứng cứ là không ổn. - Về một số vấn đề khác trong phần chứng cứ chứng minh của Dự thảo cũng cần xem xét, cân nhắc đó là: + Khoản 2 Điều 98 đoạn 2 viết: “… báo cáo kết quả thẩm định…được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật”. Viết như vậy là không chính xác. Nếu do trình độ, do thiếu thông tin, do nhầm lẫn… mà “Báo cáo kết quả thẩm định” không phù hợp với thực tế, với sự thật nên đã có đương sự phản đối, thì không thể coi là chứng cứ của vụ án, dù “được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật”. + Theo quy định tại Điều 89 BLTTDS thì: kết luận giám định, kết quả định giá, thẩm định giá đều được coi là chứng cứ. Nhưng BLTTDS đã dành cho người giám định một vị trí đầy đủ bằng việc quy định rõ quyền, nghĩa vụ người giám định, việc thay đổi người giám định v..v..còn các thành viên Hội đồng định giá, thẩm định giá, nhà chuyên môn về đo đạc (xét về bản chất họ cũng là những nhà giám định thuộc hình thức giá, giám định kích thước, diện tích …) thì không có đầy đủ vị thế. Luật không quy định quyền nghĩa vụ của những người này, phải chăng họ không quan trọng, không cần các yếu tố bảo đảm cho kết quả định giá, thẩm định giá …vô tư, khách quan. + Khoản 1 Điều 91 Dự thảo quy định : “cơ quan tổ chức, cá nhân có quyền thực hiện những biện pháp sau đây để thu thập chứng cứ”…dẫn đến có thể hiểu bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cũng có quyền đó, trong khi thực tế chỉ có Tòa án, Viện kiểm sát, đương sự, nếu mở rộng ra thì còn có Luật sư của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự…mới có quyền đó. + Không nên bổ sung điểm h khoản 3 Điều 91 với nội dung: “…Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ: (h) Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cứ trú”, vì còn nhiều trường hợp khác Tòa án phải xác minh, nên việc bổ sung điểm h sẽ dẫn đến vừa thừa, vừa thiếu. Sở dĩ như vậy là do khi Thẩm phán xét thấy có điểm nào, tài liệu nào còn nghi ngờ về tính xác thực thì sẽ đi xác minh, dù luật không quy định như điểm h khoản 3 Điều 91. + Khoản 2 Điều 95 (xem xét, thẩm định tại chỗ) dùng từ “hiện trường”, ngôn ngữ thường được dùng trong hình sự và cũng không đầy đủ, chính xác; ví dụ xem xét con tàu, con vật thì đâu có thể dùng từ “hiện trường”. Do đó, nên thay từ khác có tính bao quát hơn. Trong dự thảo còn có nhiều vấn đề khác cần trao đổi, trong phạm vi bài viết này tác giả nêu ra đôi điều suy nghĩ nhỏ để Ban soạn thảo tham khảo trong quá trình sửa đổi BLTTDS. 
                                                                                                                               Nguyễn Quang Lộc,

Không có nhận xét nào: