Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển án lệ, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử của tòa án nhân dân

 Ở những quốc gia có áp dụng án lệ (kể cả những quốc gia theo truyền thống Thông luật (Common Law) và những quốc gia theo truyền thống
Luật dân sự (Civil Law) thì đều có chung nhận thức án lệ là những phán quyết của Tòa án về một vụ việc cụ thể, có giá trị tạo lập quy tắc hoặc căn cứ pháp lý cho việc giải quyết các vụ việc tương tự trong tương lai. Khi một bản án được xác định là án lệ thì không phải toàn bộ nội dung của bản án đó bắt buộc phải tuân theo trong xét xử mà chỉ những nội dung chứa đựng những lập luận để giải thích về những vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng hoặc là lý do để Tòa án đưa ra phán quyết mới có giá trị áp dụng để giải quyết những vụ án tương tự trong tương lai nhằm bảo đảm nguyên tắc các vụ án giống nhau phải được xét xử và phán quyết như nhau. Nếu như ở những quốc gia theo truyền thống Thông luật (Common Law) án lệ được chính thức thừa nhận là nguồn luật thì ở những quốc gia theo truyền thống Luật dân sự (Civil Law) (như: Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v...), án lệ có thể được phân chia thành hai dạng là án lệ giải thích luật thành văn và án lệ tạo ra giải pháp pháp luật hay nói cách khác, ở những quốc gia này, án lệ được được tạo ra để khắc phục những hạn chế của luật thành văn (khi cần giải thích các quy định của luật thành văn không rõ ràng hoặc khi có những vấn đề chưa được luật thành văn quy định). Với ý nghĩa và giá trị đã được thừa nhận của án lệ theo kinh nghiệm quốc tế nêu trên, việc áp dụng án lệ ở Việt Nam sẽ giúp cho Toà án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh đòi hỏi của người dân và xã hội đối với công tác Tòa án ngày càng cao; những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp; nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ, còn có những cách hiểu chưa thống nhất; còn có những vấn đề chưa có quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh. Áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội. I/- QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN ÁN LỆ Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Đảng ta đã đưa ra quan điểm phải phát triển án lệ được xác định tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật định hướng đến năm 2020” và giao cho Tòa án nhân dân tối cao nhiệm vụ Phát triển án lệ được nêu rõ tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; theo đó:“Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm…” Trên cơ sở quán triệt đầy đủ các quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, với nhận thức đúng đắn và quyết tâm chính trị cao, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu và xây dựng Đề án phát triển án lệ của Tòa án nhân dân. Để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng Đề án Phát triển án lệ, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nghiên cứu thành công Đề tài khoa học cấp Bộ về “Triển khai án lệ vào công tác xét xử của Tòa án Việt Nam”. Các kết quả nghiên cứu về án lệ đã được Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp, thể hiện trong dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua. Ngày 24-11-2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật tổ chức Toà án nhân dân. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Tòa án nhân dân - Một thiết chế thực hiện quyền tư pháp quốc gia thuộc bộ máy Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đó là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ; Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã thể chế hóa các chủ chương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.” Tại khoản 5 Điều 27 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đó là: “Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ.” Những quy định này là một trong những nhiệm vụ mới, quan trọng mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là những chủ thể phải thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử; từ đó góp phần bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Để triển khai thi hành quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và để đưa án lệ đi vào cuộc sống, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ; cụ thể là các giải pháp sau: Trước hết, cần xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ban hành án lệ; cụ thể là cần bổ sung quy định của pháp luật tố tụng về giá trị pháp lý và nguyên tắc áp dụng, viện dẫn án lệ trong xét xử án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động, hành chính; xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình ban hành và áp dụng án lệ, trong đó xác định cụ thể các tiêu chí đối với những bản án, quyết định có thể được lựa chọn, công nhận là án lệ; quy trình phát hiện, tuyển chọn án lệ; việc công bố các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật dự kiến sẽ hình thành án lệ trong tương lai trên các diễn đàn khoa học và phương tiện truyền thông để các đại biểu các cơ quan dân cử, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn (như: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Luật sư v.v...) và nhân dân tham gia ý kiến; đồng thời, phải tiến hành việc thẩm định, thông qua và công bố án lệ; nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử; việc thay thế, hủy bỏ án lệ. Hai là, cần chuẩn bị tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu, giúp việc cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong công tác này theo hướng xác định rõ trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong việc giúp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực hiện quy trình lựa chọn, ban hành và công bố án lệ trong từng lĩnh vực xét xử cụ thể (gồm án lệ về hình sự; án lệ về dân sự; án lệ về hôn nhân và gia đình; án lệ về kinh doanh, thương mại, sở hữu trí tuệ, phá sản, lao động và án lệ về hành chính ...); chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện để tuyển chọn và phát hành án lệ (trong đó cần phải tăng cường năng lực cho Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương; mở các trang thông tin điện tử của các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh). Ba là, tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng viết bản án; kỹ năng biên tập án lệ; kỹ năng nghiên cứu, phân tích, áp dụng án lệ cho Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong và ngoài Tòa án nhân dân. II/- MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI PHÁT TRIỂN ÁN LỆ Ngày 31-12-2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2014/CT-CA về việc triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, trong đó giao cho Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao (nay là Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan, xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình ban hành và áp dụng án lệ. Qua nghiên cứu các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các tài liệu có liên quan; để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của việc ban hành và áp dụng án lệ trong xét xử, phù hợp với tình hình thực tiễn; trên cơ sở tham khảo các quy định về án lệ của một số nước trên thế giới, có thể xác định việc phát triển án lệ phải được tiến hành theo các bước sau đây: 1. Về các tiêu chí để lựa chọn án lệ Căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật tổ chức Tòa án năm 2014; đồng thời, xuất phát từ mục đích, yêu cầu của việc ban hành án lệ thì các bản án, quyết định của Tòa án có thể được lựa chọn là án lệ phải đáp ứng được các tiêu chí sau: (1) Là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp cao, Toà án quân sự trung ương hoặc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án khác (Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện) về một vụ việc cụ thể; (2) Có chứa đựng các lập luận để làm rõ một hoặc một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau hoặc những quy định có tính chất khung; phân tích, giải thích về các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra các nguyên tắc, đường lối xử lý hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng trong việc giải quyết vụ việc đó; được các đại biểu các cơ quan dân cử, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, nhân dân và công luận đồng tình, ủng hộ; (3) Có tính chuẩn mực và có giá trị hướng dẫn xét xử, bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất. 2. Về quy trình ban hành án lệ Trên cơ sở các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về thẩm quyền của Tòa án từng cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và để bảo đảm án lệ đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đặt ra, việc ban hành án lệ phải được thực hiện như sau: a) Rà soát, phát hiện, đề xuất án lệ a1) Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn án lệ, tổ chức rà soát, đánh giá, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình, các Tòa án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ và đề nghị Ủy ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương xem xét, đánh giá. Trường hợp bản án, quyết định đã đưa ra xem xét, đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn lựa chọn án lệ thì Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Toà án quân sự quân khu và tương đương lập văn bản đề xuất kèm theo bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ và Báo cáo đánh giá của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương gửi về Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ pháp chế và Quản lý khoa học). a2) Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn án lệ, tổ chức rà soát, đánh giá, phát hiện các quyết định giám đốc thẩm, các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án mình và đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương xem xét, đánh giá. Trường hợp bản án, quyết định đã đưa ra xem xét, đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn lựa chọn án lệ thì Chánh án Toà án nhân dân cấp cao, Chánh án Toà án quân sự trung ương lập văn bản đề xuất kèm theo bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ và Báo cáo đánh giá của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao, Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự trung ương gửi về Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ pháp chế và quản lý khoa học). a3) Vụ trưởng các Vụ giám đốc kiểm tra Toà án nhân dân tối cao căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn án lệ, tổ chức rà soát, đánh giá, phát hiện các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án khác; lập văn bản đề xuất kèm theo các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án khác được đề xuất lựa chọn làm án lệ gửi về Vụ pháp chế và Quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao. Lưu ý việc đề xuất án lệ phải chỉ rõ vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử và áp dụng thống nhất pháp luật trong bản án, quyết định được đề xuất, lựa chọn làm án lệ. a4) cá nhân, cơ quan, tổ chức, thông qua các diễn đàn khoa học về án lệ hoặc việc công bố các bản án, quyết định của Tòa án… nếu phát hiện và có lập luận chứng minh rõ ràng, phân tích có căn cứ về vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra các nguyên tắc, đường lối xử lý hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng trong giải quyết vụ việc, có thể đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, đáp ứng các tiêu chí của án lệ, gửi cho Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ pháp chế và quản lý khoa học). a5) Việc tổ chức rà soát, phát hiện, đề xuất án lệ của các Toà án được tiến hành theo định kỳ 06 tháng. b) Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất làm án lệ Ngay sau khi nhận được các quyết định giám đốc thẩm, các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được đề xuất lựa chọn làm án lệ, Vụ pháp chế và quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao tiến hành đăng tải các bản án, quyết định này trên Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao và cơ quan nghiên cứu, các phương tiện truyền thông khác để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến trong thời hạn 02 tháng. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, tổ chức hữu quan. c) Lựa chọn và công nhận án lệ Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày hết thời hạn công bố lấy ý kiến, Vụ pháp chế và quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với các vụ chức năng của Toà án nhân dân tối cao tập hợp các ý kiến góp ý; tổ chức nghiên cứu, đánh giá, tuyển chọn các quyết định giám đốc thẩm, các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có thể được công nhận làm án lệ trình Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét, quyết định thành lập Hội đồng xét án lệ với các thành viên do Chánh án chỉ định để thảo luận, cho ý kiến; các bản án, quyết định được Hội đồng này lựa chọn sẽ được đưa ra Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thảo luận, bỏ phiếu thông qua; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định công nhận án lệ. d) Công bố án lệ Các bản án, quyết định được công nhận làm án lệ được biên tập, chỉ rõ vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử và áp dụng thống nhất trong xét xử được giải quyết trong án lệ , được công bố trên các tạp chí khoa học về pháp luật và tư pháp, các phương tiện truyền thông và công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao; được đưa vào Tuyển tập án lệ xuất bản theo định kỳ 06 tháng; đồng thời, được gửi cho các Toà án để áp dụng thống nhất. 3. Nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử Theo tinh thần quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì các Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử. Như vậy, về nguyên tắc, việc nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử là yêu cầu bắt buộc. Khi áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, tên của án lệ, tính chất, tình tiết tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý được án lệ giải quyết, phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án. Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do. Nguyên tắc này cần được quy định bổ sung vào dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới đây. 4. Huỷ bỏ, thay thế án lệ Trường hợp do sự thay đổi của pháp luật hoặc do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm xem xét thông qua việc huỷ bỏ, thay thế án lệ. Việc huỷ bỏ hoặc thay thế án lệ phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Toà án nhân dân tối cao, Tạp chí Tòa án nhân dân, các tạp chí khoa học về pháp luật và tư pháp khác; đồng thời, được gửi đến các Toà án để nghiên cứu, áp dụng. Như vậy, có thể nói việc thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển và áp dụng án lệ theo chủ trương, định hướng của Đảng và các quy định của pháp luật sẽ bảo đảm được việc áp dụng thống nhất pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án, hạn chế tình trạng oan, sai; góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như Hiến pháp năm 2013 đã quy định.
                                                                                                                                                    Trương Hòa Bình

Không có nhận xét nào: